Dữ liệu y khoa

Giá dịch vụ y tế tăng: Lo tư nhân hóa bệnh viện công

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Ngày 20/8/2019, cả hai Thông tư 13/2019/TT-BYT và 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT đều tăng nhẹ tại tất cả các tuyến bệnh viện. Đặc biệt, theo quy định về giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu và tự nguyện giá giường nằm viện có thể lên tới 4 triệu đồng/ngày.

Giá tăng, nhiều người bất ngờ

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số bệnh viện tuyến T.Ư Hà Nội 2 ngày nay, dù giá dịch vụ tăng nhưng vẫn đông bệnh nhân đến khám như mọi ngày và nhiều người trong số họ không biết đến thông tin này. Tại một số cơ sở y tế không có bảng thông báo về việc điều chỉnh giá viện phí, cán bộ tại bàn tiếp đón cũng không thông báo cho bệnh nhân khi làm thủ tục khám chữa bệnh, vì thế khi nộp tiền, nhiều người bất ngờ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) cho biết, chị đi nội soi lại, lần trước là 480.000đ còn lần này là 580.000đ, tăng cao quá. Bà Phạm Thị Liên (Hưng Yên) đi khám gan, mật, thận... so với giá năm ngoái khám thì tăng thêm hơn 1 triệu đồng. Bà Liên cho biết, khám cũng bằng ấy thôi mà tiền hơn nhiều quá, chẳng lẽ lên rồi lại về. Giờ chữa bệnh thì không có tiền ăn...

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết, so với thông tư 37 và thông tư 39 thì lần này không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000đ sang mức lương cơ sở 1.490đ (theo quy định tại nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và 38/2019/ NĐ-CP ngày 9/5/2019). Mức giá điều chỉnh tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng  4,4%; giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Đối với dịch vụ ngày giường bệnh, Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng. Giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: Hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, giường điều trị nội khoa... Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường...

Bệnh viện công mở rộng ra dịch vụ đáp ứng nhu cầu người có tiền... là không có sự minh bạch trong sử dụng nguồn nhân lực, vật lực của công.

Bệnh viện công mở rộng ra dịch vụ đáp ứng nhu cầu người có tiền... là không có sự minh bạch trong sử dụng nguồn nhân lực, vật lực của công.

Tư nhân hóa bệnh viện công

Trao đổi về vấn đề này TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết, giá dịch vụ y tế hiện nay không tương xứng với chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, với cách tính đúng, tính đủ và áp dụng giá dịch vụ trong bệnh viện công là ngành y tế đang rời xa chức năng nhân đạo là chăm sóc sức khỏe nhân dân chuyển sang kinh doanh về sức khỏe. Chẳng hạn, giá khám bệnh 500.000đ phải được tính kèm theo những xét nghiệm cơ bản cho đúng chứ không thể tính 500.000đ để bác sĩ vào khám chưa tới 1 phút rồi chỉ định bệnh nhân đi xét nghiệm. Như vậy, chưa thể gọi là tính đúng, tính đủ. Tương tự, với giá giường dịch vụ cao nhưng người nhà bệnh nhân vẫn phải chăm sóc người bệnh...

TS.BS Tuấn phân tích, vai trò bệnh viện công là hỗ trợ đảm bảo tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe, trong đó đặc biệt bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người yếu thế, tức là người nghèo. Việc bệnh viện công mở rộng ra dịch vụ đáp ứng nhu cầu người có tiền... là không có sự minh bạch trong sử dụng nguồn nhân lực, vật lực của công.

Hơn nữa, y tế là dịch vụ đặc biệt, bệnh nhân không có khả năng xác định được nhu cầu dịch vụ mình cần và không thể đánh giá được chất lượng dịch vụ mà bệnh viện trao cho mình. Do đó, họ đặt sức khỏe của mình vào tay nhân viên y tế. Họ không thể đưa sức khỏe của mình ra để cân đong đó đếm với đồng tiền. Cho nên, nếu trong bệnh viện công đặt cho người dân lựa chọn dịch vụ, trong khi bệnh nhân lo sợ vấn đề sức khỏe của mình, bác sĩ cũng bị đẩy sang guồng máy tận thu cho bệnh viện và khi đó người dân bị đẩy sang việc phải chấp nhận chi trả.

Hiện nay chúng ta có 4 bệnh viện công được tự chủ, trong khi không làm rõ chức năng, vai trò vị trí của  các bệnh viện trong thị trường chăm sóc sức khỏe. Với thị trường chăm sóc sức khỏe thường có 3 loại: Bệnh viện công, bệnh viện tư và các hội từ thiện. Mỗi loại có vai trò riêng. Bệnh viện công là nơi dùng kinh phí của công từ nguồn công và các nguồn kinh phí đóng góp khác của Nhà nước để vận hành đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ là đảm bảo cho tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe như trong Luật chăm sóc sức khỏe đã nêu. Như vậy, vai trò bệnh viện công không phải là chạy theo nhu cầu thị trường. Nhu cầu thị trường để cho bên y tế tư nhân làm. Nếu ta đẩy bệnh viện công sang hướng tự chủ, vận hành không cần kinh phí của Nhà nước thì nên xếp sang hình thức bệnh viện tư. Nếu không tức là chúng ta đang tư nhân hóa bệnh viện công. Mà ở đất nước không có bệnh viện công thì sự mất cân bằng trong chăm sóc y tế là rất lớn.

Với 4 bệnh viện công được tự chủ, lãnh đạo BV được toàn quyền trong phân bố nhân lực, nguồn tài chính, nguồn thu chi... thì khác gì bệnh viện tư. Nhà nước kiểm soát ở đâu? Trong khi đầu vào của các bệnh viện công này từ danh tiếng, nhân lực, hạ tầng cơ sở... là đầu tư của Nhà nước. Chúng ta cho tự chủ hoàn toàn trong khi không có hành lang pháp lý bảo đảm công ra công, tư ra tư thì tình trạng lạm dụng tận thu trong thời gian tới sẽ tăng cao.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP