Địa ốc

Giá chung cư vẫn cao, người mua "khó với"?

  • Tác giả : Phạm Huy (T/H)
Ai cũng muốn mua nhà để an cư lạc nghiệp, sở hữu căn nhà của riêng mình luôn là mục tiêu mà mọi người hướng tới để phấn đấu trong cuộc đời. Nhưng hiện giá nhà ở tại các thành phố lớn quá cao. Bởi vậy, ước mơ sở hữu nhà đối với những người có thu nhập trung bình trở xuống rất khó hiện thực.

Trong báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2022, tại TP. Hà Nội, các dự án nhà ở thương mại khu vực trung tâm của đô thị hầu như không có căn hộ mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, căn hộ với mức giá này chỉ có tại số ít dự án thuộc khu vực xa trung tâm. Trong khi đó, sản phẩm chủ đạo trên thị trường là những căn hộ chung cư giá hơn 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2, như dự án trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai giá dao động khoảng 43-45 triệu đồng/m2. Còn đặc biệt, dự án ở vị trí đẹp các quận Đống Đa, Tây Hồ… giá phải từ 80 triệu đồng/m2 đến hơn 100 triệu đồng/m2…

Savill Việt Nam (Tập đoàn quản lý bất động sản) đã thống kê, căn hộ có giá từ 2-4 tỷ đồng chiếm 85% nguồn cung, căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng chiếm 12%, còn lại là căn hộ giá trên 4 tỷ đồng. Chuyên gia của đơn vị này đánh giá, năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng so thời điểm cuối năm 2021. Giá căn hộ chung cư các địa phương đều tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3% so thời điểm cuối năm 2021. Ở Hà Nội, giá nhà chung cư tăng 4-5% cao hơn TPHCM tăng khoảng 1-2% so cuối năm 2021.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc chủ đầu tư khi xây dựng dự án đều sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng và khoảng thời gian 2 năm diễn ra Covid-19, họ gánh thêm cả các khoản chi phí lãi phát sinh, điều này buộc chủ đầu tư phải đưa vào giá bán khi họ mở bán trong năm nay. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng từ năm 2021 đến nay tăng phi mã cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản phẩm…

Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua trên thị trường Hà Nội, nguồn cung khan hiếm, còn nhu cầu về nhà ở chung cư lại lớn, vì thế sản phẩm bị "thổi giá" lên cao.

Ảnh: Minh họa.

Ảnh: Minh họa.

Tháo gỡ những dự án còn vướng mắc để tăng nguồn cung

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, đã bước đầu báo cáo về nhóm giải pháp thúc đẩy dự án đang triển khai, Tổ công tác giao bộ ngành, địa phương rà soát, dự án nào vướng pháp lý, thì làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện, cả nước còn hơn 1.000 dự án ở nhóm giải pháp này, khi được tháo gỡ khó khăn sẽ tạo ra nguồn cung đáng kể cho thị trường.

Còn GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân lại yêu cầu đẩy nhanh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại và sử dụng loại vật liệu xây dựng thích hợp để nâng cao được chất lượng, giảm giá thành, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Đồng thời xem xét hình thành những tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhằm phát triển công cụ tài chính cho thị trường bất động sản và phát triển công cụ thị trường. Thành lập một định chế riêng cho vay bất động sản, trong đó nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn góp của tổ chức tài chính khác… để phát triển thị trường bất động sản bền vững, ổn định trong trung và dài hạn.

Mặt khác, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh bất động sản theo hướng công khai, minh bạch, giản tiện cho nhà đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện; nghiên cứu cho phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ doanh nghiệp đề xuất, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư xây dựng, giảm nguồn vốn vay ngân hàng; hướng dẫn phương pháp tính toán nộp tiền từng đợt (tính trượt giá hoặc tính theo mặt bằng nộp thực tế tại thời điểm nộp)./.

Phạm Huy (T/H)

BẢN DESKTOP