Dữ liệu y khoa

Ghép tế bào gốc cho bệnh nhân ung thư máu: Chi phí có “chát”?

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính và lành tính hiện có nhiều cơ hội khỏi bệnh với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu. Đây là phương pháp điều trị tối ưu nhất hiện nay, tuy nhiên, chi phí điều trị không rẻ.

Theo khảo sát của Khoa học và Đời sống, Việt Nam làm chủ được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại; ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp, ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào máu dây rốn… đã được ứng dụng điều trị cho rất nhiều bệnh lý và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng.

Chăm sóc cho bệnh nhân ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Huyết học truyền máu TƯ

Chăm sóc cho bệnh nhân ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Huyết học truyền máu TƯ

Chi phí từ 100 triệu đến 1,2 tỷ đồng

TS.BS Bạch Quốc Khách, Chủ tịch Hội huyết học truyền máu Việt Nam cho biết, ghép tế bào gốc tạo máu không chỉ điều trị bệnh nhân ung thư máu mà rất nhiều bệnh lành tính và ác tính của máu.

Tại Hội nghị Huyết học – Truyền máu toàn quốc diễn ra ngày 24/11, TS Bạch Quốc Khánh cho biết, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị tối ưu nhất hiện nay đối với bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính. Với bệnh nhân ung thư máu ác tính, nếu điều trị đơn thuần thì thời gian sống đến 5 năm khoảng 20 – 30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm tới 50 – 60%. Với bệnh nhân suy tủy xương tỷ lệ sống thêm toàn bộ (OS) và sống thêm không bệnh (DFS) sau 5 năm ghép là 84,8 và 91%....

Chẳng hạn, ghép tự thân trong các bệnh ác tính như đa u tủy xương, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin, Lơ-xê-mi cấp tiến tủy bào…; ghép đồng loại trong bệnh ác tính: Lơ-xê-mi cấp dòng tủy và lympho, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin, Lơ-xê-mi dòng bạch cầu hạt, hội chứng rối loại sinh tủy…Các bệnh lành tính như suy tủy xương, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, thiếu máu Fanconi, thalassemia, thiếu máu Diamond – Blackfan…

Chi phí cho ghép tế bào gốc không rẻ, vì vậy đối với người nghèo khó có khả năng tiếp cận. Tùy vào từng kỹ thuật và bệnh lý của người bệnh mà chi phí khác nhau. Chẳng hạn, sau khi đã trừ đi bảo hiểm y tế, bệnh nhân ghép tế bào gốc tự thân phải bỏ chi phí khoảng 100 – 200 triệu đồng; Ghép tế bào đồng loại cùng huyết thống phù hợp HLA khoảng 400 – 600 triệu (nguồn tế bào gốc được lấy từ máu dây rốn hoặc máu ngoại vi, tủy xương của anh chị em ruột); ghép tế bào gốc dây rốn cộng đồng khoảng 600 – 800 triệu; ghép tế bào gốc nửa hòa hợp (từ bố mẹ hoặc anh chị em ruột) khoảng 600 - 700 triệu đồng; Ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng từ 1 tỷ - 1,2 tỷ…

Tuy nhiên chi phí này so với nước ngoài vẫn rẻ hơn rất nhiều. Theo tìm hiểu, ước tính chi phí ghép tại Singapore gấp 10 lần Việt Nam, Đài Loan gấp khoảng 5 lần.

Không phải tất cả đều thành công

BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc – Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, ghép tế bào gốc là một kỹ thuật điều trị hiện đại, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân nhưng không phải mọi ca ghép đều thành công, bởi có nhiều biến chứng. Tỷ lệ tử vong liên quan đến ghép có thể từ 10-20%.

Trước khi ghép, bệnh nhân phải trải qua điều trị hóa chất/tia xạ liều cao để loại trừ tế bào tạo máu cũ trước khi đưa tế bào tạo máu mới vào. Trong thời gian chờ mọc ghép, bệnh nhân ở trạng thái suy tủy xương tạm thời, gây giảm các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu dẫn đến thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết.

BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc – Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát biểu tại Hội nghị

BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc – Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra bệnh nhân còn có các tổn thương do tác dụng của hóa chất như viêm loét niêm mạc, suy gan, suy thận… Các biến chứng này nặng có thể gây tử vong cho bệnh nhân trước khi mảnh ghép mọc thành công.

Khi tiến hành ghép có thể dẫn đến không mọc mảnh ghép được trong cơ thể bệnh nhân. Trường hợp này được coi là thất bại ghép. Hoặc ngay cả khi mảnh ghép đã mọc tốt nhưng đôi khi mảnh ghép mọc quá mạnh có thể gây nên hiệu ứng miễn dịch, gọi là bệnh ghép chống chủ. Các tế bào của mảnh ghép tấn công các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân như da, gan, niêm mạc đường tiêu hóa, phổi… Các biến chứng này nếu ở mức độ nặng, khó kiểm soát cũng có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

Có những trường hợp mảnh ghép đã mọc ổn định trong cơ thể nhưng sau đó do tế bào ác tính tồn dư hoặc do sự kém hòa hợp về miễn dịch của mảnh ghép và cơ thể dẫn đến việc bệnh cũ tái phát hoặc mảnh ghép bị đào thải khỏi cơ thể. Theo các nghiên cứu, sau ghép 5 năm tỷ lệ tái phát khoảng 40%, sau 7 năm là 70-80%.

Vì vậy, ghép tế bào gốc đòi hỏi trang thiết bị và trình độ chuyên môn của các y bác sĩ rất cao. Hiện nay, ngoài Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, một số bệnh viên khác cũng đã thực hiện ghép tế bào gốc như Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện TƯQĐ 108…

Một số biểu hiện cảnh báo ung thư máu:

Chán ăn, luôn có cảm giác buồn nôn;

Sốt, ớn lạnh không rõ nguyên nhân;

Đổ mồ hôi về ban đêm, sụt cân liên tục;

Mệt mỏi triền miên khiến cơ thể bị suy nhược;

Khó thở, đau nhức đầu;

Khó chịu ở vùng bụng;

Đau nhức xương khớp;

Khó lành các vết thương ngoài da, hay bị nhiễm trùng;

Phát ban hoặc ngứa da;

Sưng hạch bạch huyết tại các vị trí như cổ, nách hoặc bẹn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP