Làm đẹp

Ghép hạch bạch huyết điều trị phù bạch mạch gây chân tay to

  • Tác giả : Thúy Nga
Phù bạch mạch là tình trạng gây ra bởi dịch bạch huyết đọng trong tổ chức, gây ra tình trạng cánh tay hoặc chân to bất thường. Người bệnh thường phải đối mặt với các vấn đề như stress, trầm cảm, đau đớn... thậm chí tàn tật.

Ngày 17/4, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho người bệnh Đ.T.Y.N (28 tuổi) mắc phải tình trạng phù bạch mạch giai đoạn IV.

Phù bạch mạch là tình trạng gây ra bởi dịch bạch huyết giàu protein bị ứ đọng trong tổ chức, gây ra tình trạng cánh tay hoặc chân to một cách bất thường. Tình trạng này không chỉ gây cảm giác căng tức, đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày và tâm lý của người bệnh.

Người bệnh thường phải đối mặt với các vấn đề như stress, trầm cảm, lo âu, đồng thời gánh chịu hậu quả xã hội kéo dài như giảm chức năng vận động, thiếu hỗ trợ, đau đớn và thậm chí tàn tật – tất cả đều làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh.

Đây là một bệnh lý mạn tính thường xuất hiện sau những trường hợp phẫu thuật nạo vét hạch như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư cổ tử cung , ung thư bàng quang (tỷ lệ khoảng 15% - 49% người bệnh ung thư bị phù bạch mạch sau điều trị).

Hình ảnh phù bạch mạch trước và sau mổ - Ảnh BVCC

Hình ảnh phù bạch mạch trước và sau mổ - Ảnh BVCC

Việc Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương làm chủ kỹ thuật vi phẫu thuật chuyển ghép hạch bạch huyết và triển khai thành công trong điều trị phù bạch mạch ở giai đoạn muộn khi không còn đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa là điều vô cùng quan trọng.

Đây là yếu tố then chốt quyết định đến kết quả điều trị, giúp phục hồi và làm giảm đáng kể tình trạng phù ở người bệnh.

Theo BS.CKII Võ Thái Trung - Phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: “Ghép hạch bạch huyết là một kỹ thuật vi phẫu chuyên sâu và phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và sự tỉ mỉ trong từng thao tác.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và tiếp tục các biện pháp điều trị hỗ trợ trong thời gian ít nhất 10 – 12 tháng tiếp theo, để đảm bảo các hạch bạch huyết được ghép có thể sống và hoạt động hiệu quả, từ đó cải thiện tình trạng phù một cách rõ rệt.

Người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe sau các phẫu thuật ung thư, chú ý những dấu hiệu sưng phù bất thường và đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời. Việc can thiệp đúng lúc bằng các phương pháp tiên tiến như ghép hạch bạch huyết không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống về lâu dài".

Thúy Nga

BẢN DESKTOP