Theo khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, mỗi năm, không chỉ hàng ngàn vạn bệnh nhân bỏng, mà nhiều bệnh nhân tổn khuyết cần được cấy ghép da. Vậy thực hiện phẫu thuật ghép da ở đâu, chi phí bao nhiêu, kỹ thuật thế nào mang lại hiệu quả tốt nhất… đang được nhiều người quan tâm.
Bệnh nhân nào cần cấy ghép da?
Theo khảo sát của PV KH&ĐS tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ định ghép da không chỉ dành cho bệnh nhân bỏng, mà còn rất nhiều những tổn khuyết do nguyên nhân khác như tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay sinh hoạt, hoặc sau phẫu thuật bệnh lý như cắt bỏ khối u, nơ vi hắc tố…
Ngày 17/11, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ mô tạng hiến của một bệnh nhân nam chết não, bệnh viện đã thực hiện ghép da cho bệnh nhân ở tỉnh Đồng Tháp được chuyển đến Bệnh viện trong tình trạng phỏng 55% độ II-III; 50% độ III toàn thân.[MOU1] Đây cũng là trường hợp mảnh da ghép được tiếp nhận từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.
Đặc biệt, tại Bệnh viện Bạch mai còn có một số nhóm bệnh lý như khuyết hổng da lớn do rắn hổ cắn, hay nhóm tổn khuyết da trên bệnh nhân đái tháo đường, lupus ban đỏ, xơ cứng bì…
ThS.BS Tạ Hồng Thúy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ghép da là kỹ thuật lấy mảnh da từ một nơi trên cơ thể và chuyển đến một nơi khác bị tổn thương hay bị khuyết. Mảnh da ghép được nuôi dưỡng hoàn toàn bởi mạch máu của nền nhận và sau đó hình thành mạch máu ở mảnh da ghép kết nối với các mạch máu của nền nhận.
Ngày nay, ghép da tự thân là loại da ghép thường được thực hiện trên lâm sàng. Ghép da đồng loại do khác nhau về kháng nguyên nên mảnh ghép rất dễ thải loại. Thường loại ghép da này áp dụng cho tổn thương bỏng diện rộng như một chất liệu tạm thời trong một thời gian ngắn để tổn thương kịp cải thiện hay là giai đoạn chuẩn bị cho ghép tự thân sau đó.
Công nghệ cao… chi phí vài triệu đồng/lần phẫu thuật
|
Bệnh nhân bị rắn cắn được ghép da tại khoa phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Bạch Mai |
Theo ThS Thúy, hiện ghép da tự thân có 2 loại chính là ghép da mỏng và ghép da dày toàn bộ. Với mảnh ghép da mỏng thành phần là lớp thượng bì và một phần lớp trung bì chỉ được lấy bằng hệ thống dao lấy da, thường chỉ định cho những tổn khuyết lớn như một băng sinh học chống lại quá trình mất nhiệt, mất nước, nhiễm trùng… thúc đẩy quá trình lành thương nhanh.
Vị trí cho mảnh ghép da mỏng có thể lấy ở rất nhiều nơi trên cơ thể, tuy nhiên chất lượng mảnh ghép phụ thuộc vào mỗi vùng da do cấu trúc khác nhau về mô học, chiều dày, sinh lý… và đó cũng ảnh hưởng lớn tới kết quả thẩm mỹ sau này.
Với mảnh ghép da dày toàn bộ thành phần chứa toàn bộ lớp thượng bì, trung bì, mảnh ghép lấy được bằng dao mổ và nơi cho da ghép được đóng trực tiếp. Chỉ định thường đối với những tổn khuyết nền tổn thương tốt, không quá rộng, hay một số vị trí cần đảm bảo tính thẩm mỹ như vùng mặt, cơ quan cấu trúc ba chiều như cùng đồ, vành tai, mi mắt…
Thực tế trên lâm sàng, ghép da có thể đồng thời được phối hợp với các kỹ thuật tạo hình khác nhằm mang lại kết quả tạo hình che phủ tốt hơn trong trường hợp tổn khuyết phức tạp như sử dụng vạt tại chỗ, vạt vi phẫu, đặt túi giãn da…
Đối với kỹ thuật ghép da chi phí không quá lớn trung bình vài triệu đồng/lần phẫu thuật theo thông tư về giá của Bộ Y tế. Chi phí này dao động vì phụ thuộc vào loại da ghép sử dụng, kích thước mảnh ghép chiếm bao nhiều % diện tích cơ thể. Tùy vào đặc điểm tổn thương và kỹ thuật, dịch vụ phẫu thuật được sử dụng kèm theo khác sẽ có thể thêm một số chi phí phát sinh. Ngoài ra, một số bệnh lý với tổn thương lớn, tổn thương phức tạp, đôi khi phải thực hiện phẫu thuật nhiều hơn một lần.
Các bác sĩ khoa phẫu thuật tạo hình, BV Bạch Mai thực hiện tạo hình và ghép da cho bệnh nhân |
Không nên thực hiện tại phòng khám tư nhân
ThS.BS Thúy nhấn mạnh, kỹ thuật ghép da là kỹ thuật đầu tay của phẫu thuật viên tạo hình trong điều trị nhiều bệnh lý. Do bệnh nhân với tổn khuyết da có thể nằm điều trị ở nhiều chuyên khoa như chuyên khoa tạo hình, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa bỏng hay ung thư…
Vì vậy, các chuyên khoa cần phối hợp với chuyên ngành tạo hình là cần thiết hoặc các phẫu thuật viên chuyên ngành khác cần được đào tạo bài bản với các khoá học về tạo hình để có thể thực hiện được kỹ thuật an toàn và đúng kỹ thuật.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật ghép da đa phần bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân hoặc tê tuỷ sống, một số trường hợp diện tích tổn thương nhỏ có thể gây tê tại chỗ. Sau mổ bệnh nhân cần phải nằm điều trị nội trú để theo dõi, tránh những nguy cơ biến chứng.
Chính vì vậy, kỹ thuật ghép da không nên thực hiện ở phòng khám tư nhân mà nên thực hiện thực hiện tại các bệnh viện có các chuyên khoa có thể thực hiện được kỹ thuật này như chuyên ngành bỏng hoặc phẫu thuật tạo hình tại các cơ sở như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Viện bỏng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức,...
Ở Việt Nam, số bệnh nhân do tai nạn bỏng đứng hàng thứ hai chỉ sau tai nạn giao thông với 15.000- 16.000 bệnh nhân hàng năm. Bỏng trẻ em chiếm từ 38,6 – 65,8% tổng số nạn nhân bỏng. Diễn biến bỏng trẻ em nặng và phức tạp, tỷ lệ tử vong dao động từ 5 – 15%, tỷ lệ di chứng tương đối lớn từ 20 – 25%. Ghép da đã giúp giúp cho tỷ lệ bệnh nhi bị bỏng sâu, diện tích bỏng rộng (30-50% cơ thể) được cứu sống lên tới 90%. Tỷ lệ bệnh nhi bỏng bị nhiễm khuẩn huyết được cứu sống cũng đạt gần 80%....