Dữ liệu y khoa

“Gãy mỏi” xương khớp vì hoạt động... không đúng cách

  • Tác giả : An Quý
Bất cứ khớp nào của cơ thể, cổ, vai, khuỷu tay, cổ chân, gối, nhất là cột sống… cũng có thể bị tổn thương thoái hóa, thậm chí “gãy mỏi” vì các hoạt động không đúng cách hằng ngày.

Mỏi cơ, đau vùng vai, ê ẩm đường lưng kéo dài…

Anh Lê M.Q. (35 tuổi, Đà Nẵng) bị đau lưng suốt 2 năm nay. Những cơn đau này cứ âm ỉ từ khi anh cúi người bê thùng đồ vào tháng 2/2019. Mặc dù anh đã đi khám tại một bệnh viện địa phương, sau 2 lần chụp X-quang cột sống, các bác sĩ kết luận cột sống của anh vẫn bình thường.

xuong-khop.jpg
“Nhiều vận động hằng ngày được xem là không có gì quá mức, nhưng cứ lặp đi lặp lại hằng ngày, đến mức độ nào đó, xương sẽ gãy”, BSCKI Vũ Tam Trực cảnh báo.

Tuy nhiên, trong lần đi khám mới nhất vào tháng 3/2022, các bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM cho biết, anh Q. bị các tổn thương đĩa đệm, dây chằng, cột sống dần mất đường cong sinh lý bình thường.

Các tổn thương đã khiến cơ bên chân phải của anh bị teo. May mắn, di chứng chưa nghiêm trọng lắm nên anh được hướng dẫn tập luyện, châm cứu, uống thuốc và theo dõi.

BSCKI Vũ Tam Trực, Khoa Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM cho biết, những thương tổn ở cột sống xảy ra khi có những động tác thường nhật lặp đi lặp lại như cúi - ngửa cổ thường xuyên hay cúi sai tư thế như cúi lưng.

Những tổn thương này xuất hiện rất muộn, khi bệnh đã tiến triển. Còn thời gian ban đầu, biểu hiện rất mơ hồ, như mỏi cơ, đau vùng vai hoặc vùng giữa hai xương bả vai nơi tay với không tới, ê ẩm hai bên đường lưng.

Theo BSCKI Vũ Tam Trực, mỏi cơ bình thường sẽ tự giới hạn từ 3 - 6 tuần cho dù có uống thuốc hoặc không. Các tổn thương thoái hóa sẽ không tan biến, dần trở thành mạn tính.

Một khi nặng đến mức gây cho bệnh nhân khó chịu thật sự, không thể làm việc được, tổn thương dây chằng - đĩa đệm đã rất nghiêm trọng. Nhiều trường hợp cá biệt bị gãy luôn xương, gọi là “gãy mỏi”.

Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM đã từng tiếp nhận một bệnh nhân là nông dân, thường hay cuốc đất. Động tác làm việc hằng ngày của bệnh nhân chủ yếu tác động lên phần cổ, vai và lưng.

Đỉnh của mấu gai đốt sống cổ C6 - C7 bị gãy. Nguyên nhân là do bệnh nhân gồng cơ quá mức, vận động tái đi tái lại, khiến chỗ bám các nhóm cơ bị căng đến mức “nhổ luôn xương”

Những vận động viên môn chạy bộ trước khi chạy thường phải khởi động. Nhưng đôi khi khởi động không kỹ, hoặc vì thành tích, các vận động viên rướn quá mức, một lúc nào đó, chỗ bám ở gân gót bị nhổ bật, bệnh nhân không đi được nữa. Đây là bệnh cảnh cấp tính, nhưng tiến triển bệnh đã khởi phát âm thầm vài năm về trước.

Các tổn thương thoái hóa này thường gặp ở công nhân xây dựng, bồi bàn, thợ làm bếp, thợ điện...

Một ngày nếu chúng ta cứ cúi ngửa lên - xuống cổ chừng vài chục lần đến vài trăm lần, các dây chằng sẽ bị tổn thương. Những tổn thương dây chằng đĩa đệm đó khó thấy rõ trên phim chụp X-quang; thông thường chỉ thấy khi được chụp MRI.

Các tổn thương do thoái hóa thường gặp

Chúng ta ngày càng ít vận động toàn bộ cơ thể, không có thói quen đi bộ, ngồi nhiều, hầu như làm công việc tại chỗ. Bên cạnh đó, chúng ta thường tập trung vận động ở một vùng cơ thể nhất định, lặp đi lặp lại một động tác theo khuôn mẫu.

xuong-khop-1.jpg
Theo ghi nhận tại phòng khám Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM, hơn 50% đến 2/3 bệnh nhân đến khám vì các tổn thương do thoái hóa, ít người để ý.

Một số các thoái hóa thường gặp bao gồm cột sống tăng nguy cơ thoái hóa, gây xẹp hoặc thoái hóa nhanh các đĩa đệm của cột sống, từ trên cổ xuống thắt lưng. Các dây chằng có nguy cơ bị viêm, giãn.

Đối với bả vai, bệnh nhân dễ bị viêm chóp xoay, viêm gân cơ trên gai thậm chí rách gân cơ trên gai. Thương tổn này ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân.

Bệnh nhân dễ bị rách các nhóm cơ ở vùng khuỷu tay, hay còn gọi là hội chứng “tennis elbow”. Ở nước ngoài, tennis elbow chỉ xảy ra chủ yếu ở dân chơi thể thao, nhưng ở Việt Nam, hội chứng này gặp nhiều ở những đối tượng như nhân viên văn phòng, người làm công việc tay chân.

Bản chất của tổn thương này là bị viêm hoặc rách nhỏ ở chỗ bám của các gân tại vị trí lồi cầu ngoài ở vùng khuỷu tay. Bệnh nhân sẽ rất đau ở vùng khuỷu, cầm nắm rất khó; đặc biệt khi đi xe gắn máy, động tác rồ ga cũng gây đau đớn vô cùng.

Một tổn thương ở cổ bàn tay khác thường gặp ở nhân viên văn phòng, sử dụng chuột nhiều, là hội chứng viêm bao gân dạng dài và duỗi ngắn ngón 1 của bàn tay. Khi lên một cơn đau viêm gân cấp tính, cổ tay gần ngón tay cái sưng rất nhiều, làm bệnh nhân đau, không thể làm gì, thậm chí chải đầu, đánh răng.

Chấn thương xương khớp nhỏ cũng có thể gây tàn phế

Theo ghi nhận tại phòng khám Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM, hơn 50% đến 2/3 bệnh nhân đến khám vì các tổn thương do thoái hóa.

Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình khuyến cáo, không phải do chấn thương rất lớn, ngay lập tức, vận động không đúng cách, quá sức, các sinh hoạt thường ngày cũng có thể khiến những chỗ bám của cọng gân lớn dễ bị viêm, bị bào mòn, tổn thương.

Các chấn thương nhỏ, dai dẳng, ít ai để ý tới sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và rất khó chữa trị hơn cả những gãy xương mới, gãy xương do chấn thương lớn. Tình trạng nặng, bệnh nhân có thể bị tàn phế.

Do các triệu chứng mơ hồ, nên nhiều bệnh nhân điều trị sai ngay từ ban đầu như đắp thuốc, massage bấm huyệt, châm cứu hoặc chạy điện không đúng cách… khiến tình trạng ngày càng nặng thêm, hiện tượng viêm càng nhiều hơn dẫn đến quá trình hủy gân nhanh hơn.

Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình khuyến cáo, những người làm việc ở yên một chỗ nhiều, lối sống tĩnh tại, lại thường xuyên sử dụng một phần chi thể nào đó, như gập duỗi vai, gập duỗi khuỷu tay, cúi ngửa lưng, cúi ngửa cổ nhiều… việc kiểm tra sức khỏe định kỳ rất quan trọng, đặc biệt là kiểm tra hệ cơ xương khớp.

Qua đó, bệnh nhân được phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, các bác sĩ tư vấn thế ngồi cho chính xác, khoảng nghỉ giữa các phiên làm việc hợp lý: thay đổi tư thế sau 1h ngồi làm việc; thường xuyên vận động nhẹ nhàng vừa sức, đúng mức như bơi lội, chạy bộ, đi bộ, đạp xe đạp, tập các bài tập tăng cường sức mạnh (hít đất, đu xà đơn)…

Giữ cân nặng hợp lý cũng rất quan trọng đối với hệ cơ xương khớp. Theo các chuyên gia về bệnh thấp khớp tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), khi cơ thể thừa 10 pound (khoảng 4,5kg) sẽ làm tăng lực lên đầu gối từ 30 - 40 pound với mỗi bước đi. Do đó, béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ tiến triển viêm xương khớp từ 4 - 5 lần.

Mặc dù vậy, theo BSCKI Vũ Tam Trực, không có một công thức chịu tải nhất định vì còn tùy thuộc vào cơ địa, hình dáng cột sống... của từng người. Nhưng cơ bản, quá cân gây ra hàng loạt xáo trộn như dáng đứng, dáng ngồi, cũng như tầm vận động của các khớp còn lại…

Ở người thừa cân - béo phì, các khớp từ cổ, vai, thắt lưng, khớp háng, khớp gối đều chịu tải rất nặng, nên mau thoái hóa, nhất là đối với những người thường ngồi hay đứng yên một chỗ suốt thời gian dài, làm việc lặp đi lặp lại.

An Quý

BẢN DESKTOP