Dọc đường

Gặp lại người làm kèn khổng lồ

Tròn 8 năm sau khi chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam được công bố và chính thức ghi danh vào kỷ lục Guinness, chúng tôi mới có dịp gặp lại tác giả của chiếc kèn đồng khổng lồ thuở ấy, và thấy ước mơ của ông bây giờ còn khổng lồ hơn chiếc kèn đồng kia rất nhiều.

Kèn có trọng lượng 300kg

Từ người làm kèn đầu tiên

Nhớ đận những năm 2005, truyền thông nước ta và thế giới loan tin về chiếc kèn đồng khổng lồ được đặt trong khuôn viên nhà thờ Chính toà Bùi Chu (Nam Định) với sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhưng lại rất ít người biết về tác giả của chiếc kèn ấy, những công đoạn lạ của quá trình sản xuất chiếc kèn này dường như vẫn còn là bí mật.

Trước đây, ở Xuân Tiến cũng có nhiều người tham gia làm kèn lắm, nhưng cái nghề “hàn lâm” dành cho người giàu thì không phải dễ nên 99% là từ bỏ nghề. Chỉ còn tôi duy trì được cho đến ngày nay, đó âu cũng là cái phúc tổ tiên mà thôi. Mà làm cái nghề này không dễ đâu, càng không thể lừa được người khác. Với lại, muốn làm thợ kèn thì trước hết bạn phải là một nhạc sĩ có đôi tai thẩm âm chuẩn xác đã”, nghệ nhân Đinh Văn Mạnh.

“Đạo diễn” chính của ê-kíp sản xuất chiếc kèn đồng khổng lồ chính là ông Đinh Văn Mạnh ở xã Xuân Tiến (Xuân Trường – Nam Định). Ông Mạnh được biết đến là một trong những nghệ nhân làm kèn đồng lâu năm nhất tại Nam Định, và cũng là một trong những người đầu tiên làm kèn tại Việt Nam còn sống để thực hiện những tác phẩm khổng lồ.

Ông Mạnh và chiếc kèn Trumpet nhỏ

Năm nay đã bước sang tuổi 68, dáng người nhỏ thó nhưng ông Mạnh vẫn quắc thước và rất tinh tường. Ông còn nhớ rõ khi lên 10 tuổi mình đã chính thức bước vào nghề “hàn lâm”, tức là sản xuất kèn Tây cho các xứ đạo. Ông Mạnh bảo: “Ngày ấy nghề làm kèn mới bắt đầu được du nhập vào Việt Nam. Một kỹ sư người Pháp đem nghề đến làng và truyền lại cho gia đình tôi”.

Cũng từ đó, ông Mạnh trở thành một trong những người làm kèn đồng sớm nhất Việt Nam. Tuy nhiên, cái khác giữa ông và các nghệ nhân khác là duy trì được nghề cho đến ngày nay. Ông có thể chơi được các loại kèn như: Trumpet, Trombone, Baritone, Bas, Saxophone. Và cũng từ đó, ông tự tay lên khuôn và chế tác các loại kèn này mà không thua kém sản phẩm của các nước Châu Âu.

Khi nhiều nghệ nhân bỏ nghề làm kèn đồng thì ông Mạnh vẫn cố duy trì, dù có thời gian cả năm trời mới có một người đặt hàng. Hơn nữa, ông là người rất tỉ mỉ trong khi sản xuất nhạc cụ, cho nên giữa thời buổi khó khăn, ông lại có được khá nhiều đơn đặt hàng từ các nước Tây Âu hoặc Trung Quốc. Thế nên, không chỉ một mình giữ nghề “hàn lâm”, ông còn truyền dạy cho con cháu và những bạn trẻ yêu thích nghề.

Đến chiếc kèn “khủng”

Sau 50 năm gắn bó với nghề làm kèn, đến năm 2004 ông Mạnh nhận được đơn đặt hàng không giống ai của một vị khách đặc biệt là người đứng đầu Giáo phận Bùi Chu – Giám mục Hoàng Văn Tiệm. Ông Mạnh rất sửng sốt lẫn những lo lắng vì yêu cầu cây kèn Trumpet trong đơn đặt hàng phải lớn gấp 1000 lần so với cây kèn bình thường mà ông vẫn làm.

Anh Hoà đang làm một chiếc kèn Bass.

Nhưng rồi sau khi bàn thảo với con rể là anh Ngô Văn Hoà, một nghệ nhân tâm huyết với nghề, ông Mạnh đã quyết định nhận làm theo đơn đặt hàng. Phải mất cả tháng, hai bố con ông Mạnh mới tính được kích cỡ khuôn kèn và các thiết bị phụ kiện.

Có thể nói đây là lần sản xuất kèn đồng “vô tiền khoáng hậu” từ trước tới nay nên ông Mạnh đã chọn ra 10 thợ kèn giỏi nhất và phân công mỗi người phụ trách một mảng, một bộ phận của kèn. Đầu tiên là khâu tạo khuôn, ông Mạnh phải dùng đến bê tông tạo thành hình một cái kèn, sau đó đẽo gọt rất tỉ mỉ nhưng vẫn không thành.

Ông đành dùng thạch cao, khuôn rất ưng ý nhưng tính đi tính lại, thạch cao không đủ độ vững chắc để đỡ 300 kg đồng nên lại thất bại. Cuối cùng, sau nhiều ngày vắt óc suy nghĩ, ông Mạnh lại quay lại dùng bê tông và tạo khuôn theo từng công đoạn và bộ phận riêng biệt.

Ông Mạnh bảo: “Ngày nấu đồng đổ vào khuôn mới thật hào hứng. Đồng nguyên chất được nấu đúng quy trình, hàng chục thợ lành nghề hì hụi làm mấy ngày liền mới nấu xong 300 kg đồng để đổ vào khuôn. Khách tham quan đông như trẩy hội nhưng để an toàn lao động nên không ai được vào”.

4 tháng ròng, chiếc kèn đồng khổng lồ mới thành hình thành khối. Người ta phải dùng đến xe cẩu cỡ lớn mới nhấc được chiếc kèn ra khỏi khuôn để chế tác các bộ phận phụ. Chỉ có điều, chiếc kèn này âm thanh không thánh thót như bình thường mà khi thổi (thổi qua một búp kèn nhỏ phía trong búp kèn lớn – PV), âm thanh phát ra như tiếng sấm, khi nhấn nút thì chuyển sang tiếng hổ gầm.

Ông Mạnh tiết lộ, chiếc kèn đồng có trọng lượng chính xác là 300kg, chiều dài 5,5m, đường kính loa kèn rộng 1,3m và thời gian làm trong vòng 4 tháng với 10 thợ lành nghề thay phiên nhau túc trực suốt 4 tháng trời. Chiếc kèn khổng lồ xứng đáng ghi tên vào kỷ lục Guinness, và hiện nay trên thế giới chưa có chiếc kèn Trumpet nào vượt qua kích cỡ của chiếc kèn do ông Mạnh sản xuất.

Ước mơ của “gừng già”

Hiện nay, ông Mạnh là nghệ nhân sản xuất kèn già nhất của làng nghề cơ khí Xuân Tiến. Trong xưởng sản xuất của ông, lúc nào cũng có hàng chục thợ làm kèn lành nghề. Các loại kèn ông Mạnh làm ra hầu hết được tiêu thụ trong nước, với giá rất khiêm tốn so với kèn Châu Âu hoặc kèn Bắc Kinh (Trung Quốc).

Chiếc kèn khổng lồ dài 5,5m.

Con rể ông Mạnh, anh Ngô Văn Hoà đang được giao trách nhiệm đứng đầu xưởng sản xuất cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi làm được 30 chiếc kèn các loại. Kèn chúng tôi sản xuất tuy không bóng bẩy như của nước ngoài nhưng ngược lại, âm thanh rất chuẩn và giá cả cũng phải chăng”.

Ông Mạnh hiện nay được coi là “ông tổ” nghề làm kèn, không ngày nào nhà ông vắng khách. Có thể khách đến chơi là các nhạc sĩ, nhạc công hay những đoàn khách nước ngoài đến tham quan xưởng sản xuất. Chúng tôi tò mò, hỏi về dự định tương lai, liệu ông có làm một chiếc kèn khổng lồ nào nữa không?

Ông Mạnh thành thật: “Tôi cũng già rồi, nhưng ý chí vẫn còn nóng bỏng lắm. Tôi sẽ còn làm một cây kèn lớn hơn cây kèn Guinness kia, có thể sẽ có trọng lượng và kích cỡ gấp đôi. Các bạn cứ chờ sẽ thấy!”.

Xuân Tiến là một trong những làng nghề cơ khí truyền thống đầu tiên và phát triển mạnh nhất của Việt Nam. Hiện nay, trong xã đã có tới 16 công ty nằm trong khu công nghiệp và vài chục doanh nghiệp rải rác trong cả xã. 90% người dân địa phương làm cơ khí và con số tỉ phú cũng lên tới hàng trăm hộ. Riêng về làm kèn, thì hiện nay chỉ còn duy nhất hộ ông Đinh Văn Mạnh giữ được. Đây là một trong những nghề mà chúng tôi xác định cần phải bảo tồn”.

— Ông mai Văn Tân, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tiến —

Trần Hoà

BẢN DESKTOP