Chữa bệnh không dùng thuốc

Gai đốt sống nên điều trị bảo tồn

  • Tác giả : LY Nguyễn Nghĩa
(khoahocdoisong.vn) - Gai đốt sống là bệnh do sự phát triển của xương, sụn đã bị thoái hóa, xuất hiện ở xung quanh khớp xương và đĩa liên đốt sống. Bản thân gai không gây đau, chỉ khi cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh mới gây nên các cơn đau

Gai đốt sống là khi lớp sụn đệm bao bọc hai đầu xương (đốt sống) bị hủy hoại (thường do thoái hóa), dẫn đến các đầu xương tỳ trực tiếp lên nhau, gây viêm ở hai đầu xương và dần hình thành các gai xương. Các gai xương này không có sụn bao bọc sẽ cọ xát lên các đầu xương khác, mạch máu, dây thần kinh gây ra đau thắt lưng, đau vai hoặc cổ, lan xuống cánh tay, tê tay, như có kim châm trong đốt sống..., làm giảm đáng kể vận động của đốt sống.

Gai đốt sống cổ là một dạng tăng sinh xương rất phổ biến ở những người ngoài 40 tuổi, bệnh nhân thường có những biểu hiện như thấy cứng cổ, căng mỏi, đau nhức; đau có thể lan xuống cánh tay và truyền tới tận các ngón; khi cổ hoạt động, chứng trạng thêm trầm trọng; hoặc kèm theo đau đầu, tức ngực, bồn chồn... Đa số bệnh nhân bị gai đốt sống phải chung sống hòa bình với gai nhưng có khoảng 42% trường hợp có triệu chứng đau lưng, cổ, sau đó lan ra tứ chi, làm yếu bàn tay, bàn chân.

Dấu hiệu nhận biết bệnh gai đốt sống tương tự như ở các bệnh chấn thương lưng, viêm thấp khớp, đứt đĩa liên sống, đau thần kinh tọa. Vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp tiết kiệm được chi phí, đề phòng được những biến chứng xấu có thể xảy ra.

Xu hướng trị bệnh gai đốt sống là điều trị bảo tồn, cắt bỏ gai khi thật cần thiết nhưng gai vẫn có thể mọc lại. Để điều trị bảo tồn, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, giảm áp lực lên các vùng bị đau. Có thể dùng các loại thuốc giảm đau để giảm triệu chứng đau, kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên. Thực hiện các biện pháp mátxa, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, tập phục hồi chức năng cho các vùng bị hạn chế tầm vận động do cơn đau. Dưới đây là một số động tác giúp người bệnh bị gai đốt sống cổ giảm đau.

Động tác 1: Người bệnh đứng, nhìn thẳng về phía trước, xoay đầu chậm sang bên trái sao cho vị trí cằm gần như song song với bên vai trái, giữ khoảng 20 giây và quay đầu trở lại vị trí ban đầu. Thực hiện tương tự với bên còn lại, xoay đầu chậm về phía bên phải, giữ khoảng 20 giây và quay trở lại vị trí cũ. Thực hiện 4-5 lần mỗi bên mỗi ngày để giảm thiểu cảm giác nhức mỏi vùng cổ. Động tác này phù hợp để thực hiện khi đang ngồi học, làm việc văn phòng.

Động tác 2: Nghiêng đầu, kéo giãn các cơ ở 2 bên cổ bằng cách nghiêng đầu về phía 1 bên vai. Giữ trong 20 giây, sau đó đổi bên. Thực hiện đan xen mỗi bên trái và phải, 4 lần mỗi bên cho đến khi cảm giác nhức mỏi giảm bớt và các cơ được thả lỏng, thoải mái hơn.

Động tác 3: Người bệnh ngồi giữ cho cột sống thẳng, ngửa cổ sao cho tầm nhìn hướng lên trần nhà. Bắt đầu quay chậm phần cổ một vòng rồi đánh sang bên phải. Quay cổ trở lại vị trí ban đầu rồi tiếp tục thực hiện động tác với bên còn lại. Thực hiện động tác 3 lần cho mỗi bên.

Động tác 4: Người bệnh đứng thẳng, hai tay dang ngang, cánh tay giữ cao ngang vai, chụm lại chống vai. Xoay tròn khuỷu tay ngược chiều kim đồng hồ, từ trước ra sau. Thực hiện động tác trong vòng 30 giây và đổi hướng.

Động tác 5: Người bệnh cúi đầu hướng về phía trước rồi ngửa về phía sau chầm chậm, thực hiện vài lần cho đến khi cảm giác cứng, mỏi cổ được giảm bớt.

Động tác 6: Nằm ngửa mặt lên trời, 2 chân co lại, mặt bàn chân chạm nền, 2 tay buông thõng 2 bên sao cho vai chạm nền. Từ từ nâng cổ lên nhưng đảm bảo lưng vẫn chạm nền bên dưới. Giữ tư thế trong 5 giây và hạ cổ xuống về lại tư thế ban đầu. Lặp lại động tác từ 3-4 lần rồi nghỉ ngơi thư giãn để các vùng cơ cổ đang bị căng mỏi được thả lỏng.

Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)

LY Nguyễn Nghĩa

BẢN DESKTOP