Dữ liệu y khoa

Em bé bị ngộ độc bún riêu chay suy hô hấp

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Bé gái tên P.N.T.T. (sinh năm 2005 ở Bình Dương) hiện đang suy hô hấp và được thở máy, đồng tử giãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay).

BS.CKII Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM chia sẻ, bệnh nhân được truyền huyết thanh kháng độc tố Clostridium Botulinum BAT (2/3 lọ) lúc 19h30 ngày 25/3/2021.

Bệnh nhi bị ngộ độc sau khi ăn bún riêu chay đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Bệnh nhi bị ngộ độc sau khi ăn bún riêu chay đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Sau 3 giờ truyền BAT, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến 1h30 sáng 26/3/2021 khi được yêu cầu, bé rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM phát đi lời cảnh báo chùm ca bệnh nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm chay khiến 1 người tử vong và 2 người nguy kịch. Tất cả bệnh nhân này nhập viện cấp cứu cùng bệnh cảnh nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp...

Bao gồm một phụ nữ 53 tuổi và bé gái 16 tuổi nói trên đang trong tình trạng nguy kịch và được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Trước đó, một phụ nữ (là em gái và là mẹ của bệnh nhân nói trên) đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Qua khai thác bệnh sử, chồng và con trai của bệnh nhân nữ đang hồi sức tại Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, vào ngày 20/3/2021, gia đình có nấu bún riêu chay tại miếu (cách nhà khoảng 2km) ở thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương cho nhiều người cùng ăn. Nguyên liệu nấu ăn có cả 1 hộp patê chay đã bị phồng nắp lên.

Sau khi ăn bún riêu chay, bệnh nhi nói trên bắt đầu đau đầu, chóng mặt, nôn, không tiêu chảy. Đến 03h30 ngày 22/3 em chóng mặt, ói nhiều hơn, cứng lưỡi, vẫn còn tỉnh táo, tay chân hoạt động bình thường.

Người nhà cho bé nhập viện tại Bệnh viện 512 Bình Dương, tại đây có chụp CT-Scan đầu nhưng chưa ghi nhận bất thường và các bác sĩ điều trị hỗ trợ. Đến chiều cùng ngày bệnh nhi vẫn mệt lả, ói nhiều, cứng lưỡi nhiều hơn, đàm nhớt ở họng nhiều, tuy nhiên em không ho ra được, phải dùng dụng cụ hút đàm nhớt thường xuyên nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bệnh nhi suy hô hấp nên được đặt nội khí quản, thở máy. Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Nhiễm hiện bệnh nhi còn thở máy, tỉnh, phản xạ ánh sáng tốt, huyết áp 150/100mmhg, các chỉ số xét nghiệm (công thức máu, chức năng gan thận, điện tâm đồ, men tim) trong giới hạn bình thường.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu người dân tạm ngưng việc sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan vụ ngộ độc trên và chờ thông báo mới nhất từ Ban An toàn Vệ sinh Thực phẩm TPHCM. Những ai đã cùng ăn patê chay với các bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.

An Quý

BẢN DESKTOP