Ngày 7/11 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA_Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến về dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam" với sự tham dự của đại diện Bộ GTVT, cùng các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực, giao thông, xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị…
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết: Ngành đường sắt Việt Nam đến nay đã trải qua hơn 140 năm. Đã có giai đoạn, đường sắt Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á và giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
Hiện nay, ngành đường sắt đang bị tụt hậu so với các ngành giao thông khác. Đầu tư cho ngành đường sắt suốt nhiều thập kỷ chỉ chiếm khoảng 3% tổng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương dành cho hạ tầng giao thông. Thị phần vận tải đường sắt chỉ chiếm 1,02% về vận tải hành khách và 0,94% về vận tải hàng hóa. Cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng về đầu tư cũng như thị phần giữa các phương thức vận tải. Sự mất cân đối này đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số mặt của kinh tế - xã hội.
Từ năm 2010 đến nay, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn để đề ra phương hướng giải quyết các vấn đề còn băn khoăn của Quốc hội, nghiên cứu đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện về tính phức tạp trong tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; khó khăn trong huy động vốn đầu tư; tác động của dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiều vấn đề khác.
Hội thảo do Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy chủ trì. |
Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam tiếp tục được đặt ra để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, hiện đại hóa ngành đường sắt. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó xác định: "Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam" và đặt mục tiêu đến năm 2025 phần đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030; và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
“Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Thủ tướng Chính phủ; căn cứ yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, hôm nay Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về dự thảo Đề án”, TSKH Phan Xuân Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cảm ơn các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã đóng góp công sức, trí tuệ cho ngành giao thông vận tải trong suốt thời gian qua.
Năm 2010, chủ trương về đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đã được trình Quốc hội xem xét, nhưng chưa được thông qua do còn nhiều ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô kinh tế thời điểm năm 2010 còn khiêm tốn. Phải nói rằng, đây là một Đề án khó, chưa có trong tiền lệ, Trong suốt hơn 10 năm qua đã có 28 cuộc họp, hội thảo đóng góp ý kiến cho Đề án. Tuy nhiên Đề án hôm nay cũng đã có nhiều điều chỉnh phù hợp hơn so với Đề án năm 2019 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như công nghệ, kết cấu hạ tầng, công năng, tốc độ, chọn lựa nhà thầu… vì vậy, hôm nay Bộ Giao thông Vận tải rất mong muốn lắng nghe các nhà khoa học Liên hiệp Hội Việt Nam góp phần từng bước tối ưu Đề án trước khi Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định.
Các đại biểu đã phát biểu rất sôi nổi đóng góp ý kiến đối với Đề án. Nhìn chung, các ý kiến tại hội thảo đều đồng thuận với dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tuy nhiên cũng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.