Đời sống

Đường sắt cao tốc Hà Nội - Đồng Đăng: Tuyến giao thông quan trọng của kinh tế Bắc Bộ

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Đường sắt cao tốc Hà Nội - Đồng Đăng sẽ đảm nhiệm vai trò vận tải hàng hóa chính trong chuỗi logistic kết nối hàng hóa từ khu vực Bắc Bộ ( bao gồm cả cảng Hải Phòng, Quảng Ninh) tới thị trường Trung Quốc.

Quy hoạch mong chờ

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải về quy hoạch đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Đồng Đăng, đầu tư giai đoạn sau 2030.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, đề xuất quy hoạch tuyến Hà Nội - Đồng Đăng là đường sắt tốc độ cao phù hợp với phía Trung Quốc đã xây dựng đến Nam Ninh, nhằm phát huy lợi thế của phương thức vận tải đường sắt giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, đồng thời giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Về phương hướng cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt qua giữa thành phố Lạng Sơn đi dọc theo Quốc lộ 1A hiện tại sau năm 2030.

Về nhà ga chính tuyến, tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung quy hoạch mở rộng ga Yên Trạch và di chuyển ga Lạng Sơn hiện tại về ga Yên Trạch để tạo hệ thống giao thông kết nối giữa đường sắt, đường bộ và đi các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Việc mở rộng ga Yên Trạch tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn sẽ tạo hệ thống giao thông kết nối giữa đường sắt, đường bộ và đi các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ga đường sắt Yên Trạch hiện nay được xây dựng tại Km 143+400 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng trên địa bàn xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Vị trí này thuận tiện trong việc phát triển dịch vụ logistics của tỉnh và theo định hướng phát triển của ngành GTVT như: gần trục chính đường bộ đi vào thành phố Lạng Sơn, gần bến xe phía Nam thành phố đã đi vào hoạt động, gần vị trí quy hoạch xây dựng cảng cạn Lạng Sơn (vị trí tại Km22+500/QL.1, đã được Bộ GTVT chấp thuận Công văn số 3340/BGTVT-KHĐT ngày 9/4/2020).

Ga Yên Trạch cũng thuận tiện cho việc làm đầu mối khai thác vận tải đường sắt đến ga Đồng Đăng (tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng), ga Na Dương (tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương) và định hướng phát triển tuyến đường sắt Lạng Sơn - Quảng Ninh.

Hiện tại, tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nhiều năm nay đã không được nâng cấp nên rất khó cạnh tranh với đường bộ. Nếu được quan tâm đúng mức như đường bộ, tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn sẽ kết hợp phát triển với đường bộ, tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh.

Lưu ý, tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Đồng Đăng còn phù hợp với ý kiến tại cuộc hội đàm giữa các Bí thư Tỉnh ủy của 4 tỉnh Việt Nam là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

Phát triển kinh tế khu vực

Theo Quyết định 1468/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, thì tuyến đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội dài 156km là tuyến đường sắt khổ đôi 1.435m, nằm trong tuyến đường sắt xuyên Á, cùng với các tuyến đường sắt bổ trợ như Hà Nội - Hải Phòng, TPHCM - Cần Thơ, Dĩ An - Lộc Ninh... kết nối thị trường Trung Quốc và các vùng kinh tế Bắc Bộ, duyên hải Trung Bộ, Nam Bộ và kéo dài sang các cảng biển của Campuchia, Thái Lan.

Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường sắt này thậm chí còn không được đưa vào quy hoạch. Thay vào đó, các quy hoạch cao tốc liên tục được phê duyệt và xây dựng. Đến nay, tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đã hoàn thiện về cơ bản, chỉ còn 30km đường cuối chuyến Lạng Sơn – Hữu Lũng là đang quy hoạch.

Do đó, vận tải đường bộ đang là tuyến vận tải duy nhất cả hàng hóa lẫn hành khách kết nối vùng biên xứ Lạng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trong khi đó, lưu lượng hàng hóa từ vùng đồng bằng Bắc Bộ kết nối với Lạng Sơn để thông quan qua Trung Quốc là rất lớn. Theo dự báo của Bộ GTVT, lưu lượng hàng hóa của tuyến Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn là hơn 130 triệu tấn/năm. Nhưng đường sắt chỉ đảm nhận vận chuyên chưa tới 1 triệu tấn.

Đây có thể là “tin vui” với vận tải đường bộ, nhưng nó cũng là áp lực lên đường bộ, khi ngoài vận tải hàng hóa, đường bộ còn phải chịu trách nhiệm vận chuyển hơn 66 triệu hành khách.

Lưu ý rằng, với vận tải khối lớn, chi phí cho đường sắt luôn rẻ hơn nhiều lần so với đường bộ. Do đó thiếu tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn sẽ kéo theo chi phí logistics cao, kéo sụt tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Được biết, tuyến đường sắt Gia Lâm - Đồng Đăng hiện hữu là khổ lồng, có thể chạy được cả tàu khổ 1.000mm và tàu khổ 1.435mm nên tàu hoàn toàn có thể chạy thẳng sang Trung Quốc.

Do đó, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Lạng Sơn sẽ giải quyết được bài toán vận tải hàng hóa cho cả Bộ bộ, nếu không muốn nói quá là cả nước.

Lưu ý rằng, Ga Đồng Đăng là ga đường sắt đầu tiên của Việt Nam được công nhận là ga liên vận quốc tế từ tháng 10/1955. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho hay, các chuyên gia ngành đường sắt đã gọi hệ thống tàu liên vận quốc tế xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc - châu Âu là ‘con đường tơ lụa’ thứ 2 trên thế giới.

Do đó, nếu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn để “chia lửa” với đường bộ thì sẽ nâng cao được hiệu quả kinh tế.

Lịch sử và tiến hoá của nhân loại thì rõ ràng sự ra đời và hoạt động của đường sắt, với việc xuất hiện các điểm đỗ, các nhà ga, của các đoàn tàu trên  dọc các tuyến đường đã hình thành nên các tụ điểm dân cư mới, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh nơi đây trở nên náo nhiệt, phồn thịnh hơn trước. 

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP