Sức khỏe mới

Đường phèn chữa được chứng nóng, nhưng lạm dụng lâu ngày sẽ có hại

  • Tác giả : LY. Nguyễn Văn Sáu
Băng đường (đường phèn, đường cát trắng) có vị ngọt, khí ấm, không độc, vào kinh tỳ vị, có tác dụng bổ phế ích tỳ, điều vinh, hoạt huyết. Chủ trị nóng đầy ở vùng ngực tim, miệng khát khô, giải độc thuốc lá, thuốc lào, ho do phế nhiệt.

- Trị cảm hàn, cảm nhiệt, miệng, họng khô, ngực tức, đầu váng, xây xẩm: Bạc hà 1,75kg, bạch đường 40g, cát căn 250g, ô mai nhục 1,5kg, tử ô diệp 500g tán bột, hồ với nước làm hoàn, mỗi hoàn 9g, ngày uống 2-3 hoàn. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân chỉ khát.

- Chữa các chứng trung tiêu hư hàn, bụng đau, nôn, không thích ăn, có lãi đũa: Xuyên tiêu 12g, can khương 12g, nhân sâm 12g, băng đường 30g. Sắc nước bỏ bã uống nóng. Tác dụng ôn trung, bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống.

- Trị bụng quặn đau: Lấy rượu sắc với đường cát 20-30g uống thì hết đau.

- Trị đậu mùa không rụng vảy, da sần sùi: Đường cát trộn với nước sắc uống ngày 2 lần.

- Trị họng, lợi răng đau, ho lâu ngày, khan tiếng, viêm miệng: Băng phiến 2g, băng đường 20g, chu sa 2,4g tán bột, mỗi lần dùng 1 ít bôi chỗ đau hoặc thổi vào họng. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc.

Đường cát trắng được phơi lọc chế biến cẩn thận mà kết tinh nên thể nhẹ, vị ngọt, màu trắng, mặc dù chữa được chứng nóng nhưng lạm dụng lâu ngày sẽ có hại, chứng nóng ứ đọng trên ngực.

Có sách nói đường phèn thanh nhiệt, nhưng xét kỹ thì không đúng lắm. Chẳng hạn người miệng đang khô ráo mà ăn vào thì chỉ thấy mát trong chốc lát, sau miệng khô ráo và lại khó chịu hơn. Gặp lúc miệng đang nhạt ăn một miếng vào thấy miệng hết nhạt ngay, nhưng dùng nhiều quá sinh ra đàm nhớt. Người dạ dày vốn có đàm thấp không nên ăn nhiều. Tiểu đường dùng ít.

Lương y Nguyễn Văn Sáu (TT Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu)

LY. Nguyễn Văn Sáu

BẢN DESKTOP