Khoa học & Công nghệ

Đường nâu có thể làm sạch cao răng?

Làm sạch cao răng, giúp răng trắng sáng, hiện có rất nhiều chia sẻ trong đó gồm đường nâu và muối. Các cách này có thực sự hiệu quả, khoa học không?

Đường và muối không thể làm sạch cao răng

Theo BS Hồ Quỳnh Minh, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, không nên dùng đường nâu để làm sạch cao răng, mảng bám răng, giúp răng trắng sáng. Bởi, răng không trắng có rất nhiều nguyên nhân, không phải chỉ do cao răng.

Nếu dùng đường nâu để lấy các mảng bám làm trắng răng xét về kết cấu khoa học là không có cơ sở. Đặc biệt, với răng không trắng sáng do yếu tố nội sinh (yếu tố bên trong cơ thể liên quan đến các bệnh lý hay do gen) thì càng không thể làm được.

Có thể với tác động ngậm đường nâu, một số cặn hữu cơ mềm kết tủa, đổi màu, khi súc miệng ra thì tưởng đó là mảng bám.

Có nhiều chia sẻ làm sạch cao răng, trong đó gồm dùng đường nâu và muối.

Theo vị chuyên gia này, cao răng là một chất lắng cặn cứng của các muối vô cơ gồm canxi carbonat và phosphate phối hợp với cặn mềm (mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng), vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô, sự lắng đọng sắt của huyết thanh, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi (còn gọi là vôi răng).

Mảng bám là một màng vi khuẩn dính, không màu, nếu không được loại bỏ hàng ngày chúng sẽ tích tụ thành cao răng.

“Với thành phần hóa học như thế, về nguyên lý muốn làm bật được cao răng phải có hóa chất hòa tan dạng “axit”. Nhưng cũng theo nguyên lý đó, nếu dùng hóa chất lấy cao răng thì cũng sẽ tác động đến canxi của răng hay nướu, lợi.

Đường nâu nếu có thể chỉ giải quyết được một số thành phần mảng bám mềm chứ không thể lấy được cao răng. Hiện phương pháp tốt nhất phổ biến trên thế giới là lấy mảng bám theo cách cơ học tại các phòng nha. Trước kia dân gian có dùng cau khô cọ xát thì cũng là một dạng tác động cơ học để chải sạch mảng bám tránh lâu dài tích tụ thành cao răng”, BS Hồ Quỳnh Minh phân tích.

Tăng nguy cơ hại men răng, sâu răng

Ở góc độ khác, KS Nguyễn Dũng, nguyên cán bộ Viện kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng đường nâu được sản xuất với sự hiển diện của mật mía. Đường có một số tính chất như khử, thủy phân… nhưng các đặc tính này chủ yếu sử dụng cho quá trình chế biến.

Đối với làm đẹp, đường chủ yếu dùng để mát xa do cấu trúc hạt nên khi đưa lên da sẽ tác động từ đó giúp tẩy tế bào da chết. Khi da được làm mềm, có thể một số chất khoáng có trong đường ngấm vào da từ đó dưỡng đẹp.

Đường nâu hoàn toàn không có tác động với canxi hay các thành phần hữu cơ khác để làm mềm được các chất cứng, trừ trường hợp lên men và làm nguồn xúc tác cho các chất khác hoặc vi khuẩn phá hủy các thành phần có trong men răng.

Vì thế, không nên chia sẻ, áp dụng cách làm sạch răng miệng, lấy cao răng, mảng bám bằng đường. Đây là con dao hai lưỡi, tăng nguy cơ ảnh hưởng đến men răng, nướu, lợi, tăng nguy cơ sâu răng nếu không súc và làm sạch kỹ sau đó. Càng tuyệt đối ngậm đường vào buổi tối, bởi qua đêm, đường là chất xúc tác để tăng sâu răng.

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, để làm sạch cao răng, mảng bám cần định kỳ 6 tháng đến gặp nha sĩ để được tư vấn thay vì áp dụng các bài thuốc tùy tiện.

“Khó có thể dùng đường nâu để làm sạch mảng bám hay cao răng. Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc truyền nhau nhưng muốn biết có tác dụng đến đâu thì phải nghiên cứu khoa học. Tôi cũng được biết bài thuốc Nha chu tán chữa các bệnh về răng, làm sạch mảng bám bằng các “axit Đông y” đã được nghiên cứu chứng minh. Tuy nhiên, để có hiệu quả làm sạch răng và mảng bám nó phải được kết hợp hơn chục vị thuốc, có tác dụng làm mềm các mảng bám rồi dùng lực cơ học của bàn chải đánh mờ dần sau một thời gian”. ThS Nguyễn Quang Hưng, giám đốc Đơn vị nghiên cứu và ứng dụng Y học dân tộc, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc.

Hiền Vân

BẢN DESKTOP