Y học và đời sống

Đường glucose không dùng tùy tiện

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Đường glucose có độ ngọt thấp nhưng cũng cần thận trọng khi sử dụng. Một số trường hợp không được dùng loại đường này.

Nhiều người không được dùng

Glucose  thuộc loại đường đơn ( monasaccarit), là một cacbohydrat quan trọng trong sinh học, công thức cấu tạo phân tử là C6H12O6. Glucose được tạo ra do thủy phân đường saccharose (loại đường kép như đường mía, củ cải đường mà chúng ta vẫn ăn thường ngày) với chất xúc tác là axit (đây chính là quá trình xảy ra trong dạ dày con người khi ăn đường saccharose hoặc các sản phẩm có chứa loại saccharose). Độ ngọt của glucose chỉ bằng khoảng 1/2 độ ngọt của saccharose. Glucose có nhiều trong hoa quả ngọt, như nho chín, hoa quả chín, cũng như lượng nhỏ trong  mật ong.

Sau khi uống glucose sẽ hấp thu rất nhanh ở ruột. Do vậy người ta đã sử dụng loại đường này để trị những trường hợp bị hạ đường huyết bởi chỉ cần uống sau 40 phút đã đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương. Khi vào cơ thể glucose được chuyển hóa kịp thời thành carbon dioxyd đồng thời giải phóng ra năng lượng.

Tuy lợi là vậy, nhưng đường glucose không thể sử dụng tùy tiện, bởi trong các kết quả nghiên cứu thống kê khoa học đã cho thấy khi lạm dụng loại đường này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Glucose không được dùng trong các trường hợp như người không dung nạp được glucose, người mất nước nhược trương nếu chưa bù đủ các chất điện giải, người ứ nước, người kali huyết hạ, hôn mê tăng thẩm thấu, nhiễm toan, người vô niệu, người bệnh bị chảy máu trong sọ hay tủy sống (đặc biệt là không được dùng dung dịch glucose ưu trương cho các trường hợp này). Người say rượu mê sảng kèm mất nước, ngộ độc rượu cấp. Không dùng dung dịch glucose cho người sau tai biến mạch não, vì glucose sẽ chuyển hóa ở vùng thiếu máu cục bộ thành axit lactic làm chết tế bào não.

Cần theo dõi đường huyết

Trong khi sử dụng glucose phải luôn theo dõi đều đặn đường huyết, cân bằng nước và các chất điện giải để bổ sung điện giải nếu cần. Không truyền glucose cùng máu qua một đường dây vì có thể gây tan huyết và tắc nghẽn. Chú ý khi truyền glucose qua đường tĩnh mạch vì có thể gây rối loạn dịch và điện giải như hạ kali huyết, hạ magie huyết, hạ photpho huyết. Khi truyền lâu hoặc nhanh một lượng lớn glucose ưu trương có thể gây mất nước tế bào do tăng đường huyết. Khi phụ nữ đang cho con bú dùng glucose sẽ an toàn. Ngoài ra thường gặp đau tại nơi tiêm, kích ứng hoặc gây tắc tĩnh mạch.

Liều dùng thay đổi tùy theo từng người bệnh. Liều glucose tối đa khuyên dùng là từ 500 – 800mg cho 1kg thể trọng trong 1 giờ. Dung dịch glucose 5% là đường đẳng trương với máu được dùng để bù mất nước và có thể truyền vào mạch ngoại vi. Dung dịch glucose cao hơn 5% là ưu trương với máu dùng để cung cấp năng lượng cho cơ thể (dung dịch trên 50% chỉ dùng để điều trị những trường hợp hạ đường huyết nặng). Truyền dung dịch glucose ưu trương phải truyền vào tĩnh mạch trung tâm. Trong trường hợp cấp cứu có thể truyền dung dịch glucose ưu trương tại tĩnh mạch ngoại vi nhưng phải truyền chậm với tốc độ  đối với loại glucose 50% là 3ml mỗi phút. Trong nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch có thể truyền dung dịch glucose đồng thời với các dung dịch có chứa axit amin hoặc nhũ tương mỡ (truyền riêng hoặc cùng nhau bằng hỗn hợp “3 trong 1” cùng một chai.

 BS Hoàng Trung Bống ( chuyên gia Bộ Y tế)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP