Đời sống

Đường dây đánh bạc ngàn tỉ: Có tịch thu được tiền nhà mạng?

Qua điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định tổng số tiền đường dây đánh bạc của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương lên tới 10.000 tỉ đồng, được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, phát hành thẻ game, tổ chức và trả thưởng con bạc.

Liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố tổng cộng 88 bị can, bắt tạm giam hơn 40 người về sáu tội danh khác nhau.

Theo nguồn tin, hiện cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án nói trên. Ngoài việc làm rõ vai trò của các bị can trong đường dây cờ bạc trực tuyến chục ngàn tỉ đồng này, trách nhiệm của các nhà mạng cũng sẽ được làm rõ.

Nhà mạng hưởng lợi ngàn tỉ

Thông tin với PV, một lãnh đạo cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ cho biết hiện đã có số liệu rõ ràng về lượng tiền mà các nhà mạng này thu lời từ đường dây đánh bạc nói trên thông qua việc bán thẻ cào. Về bản chất, thẻ cào chỉ được phục vụ nhắn tin, gọi điện thoại chứ không được dùng vào đánh bạc, đường truyền cũng là tài sản quốc gia, chỉ được dùng cho quốc kế dân sinh nhưng lại dùng để cho thuê đánh bạc để thu lời bất chính. “Do đó cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý và truy thu. Và không chỉ xử lý về kinh tế, kể cả xem xét trách nhiệm hình sự cũng sẽ tính tới” – nguồn tin này cho hay.

Đến thời điểm hiện tại, qua điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định tổng số tiền đánh bạc của đường dây này lên tới gần 10.000 tỉ đồng, được phân chia cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông, DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, DN phát hành thẻ game, nhóm tổ chức và trả thưởng cho con bạc. Trong đó, ước tính DN viễn thông hưởng lợi hơn 1.400 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông).

Theo Bộ Công an, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. “Lợi ích của các DN viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ. Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến” – Bộ Công an đánh giá.

Theo nguồn tin của chúng tôi, công an đã tạm giữ hàng ngàn tỉ đồng của những người tổ chức đánh bạc và đang xem xét, truy thu số tiền dùng vào việc đánh bạc.

Một cổng game đánh bạc. Bị can Châu Nguyên Anh và Phạm Quang Minh (giám đốc điều hành, giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Thanh toán điện tử VNPT) bị bắt giữ. Ảnh: CA

Truy thu được không?

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng nếu cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đã có căn cứ xác định các nhà mạng thu lời bất chính thì việc cần làm hiện nay là đề nghị các công ty này phải nộp số tiền thu lời bất chính đó vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an hoặc thi hành án. Việc này nhằm đảm bảo cho công tác thi hành án sau này, khi vụ án được đưa ra xét xử.

“Nếu bản án có hiệu lực pháp luật tuyên các nhà mạng không thu lời bất chính, họ sẽ nhận lại số tiền trên. Còn nếu bản án xác định họ thu lời bất chính thì phải sung công quỹ” – luật sư Ứng nói.

“Cũng cần xem xét trách nhiệm của các nhà mạng nếu xác định họ biết được thẻ cào để phục vụ cho việc đánh bạc” – ông nói.
Còn luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM) cho rằng thẻ cào của các đơn vị viễn thông phát hành là hàng hóa. Khi nó được sử dụng vào mục đích đánh bạc thì các công ty viễn thông có biết việc này hay không?

Nếu cơ quan điều tra chứng minh được các công ty viễn thông biết việc hưởng lợi này là từ việc các con bạc mua thẻ cào mà vẫn bán thì lúc này mới có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm, thu hồi lại tiền… Lý do: họ đã hưởng lợi bất chính và những số tiền này sẽ được đưa vào làm tang vật của vụ án.

Nhưng nếu các công ty viễn thông không biết việc bán thẻ cào đánh bạc thì không thể xem số tiền họ hưởng lợi là tang vật để tịch thu sung quỹ nhà nước.

Cũng theo ông Long, trong nhiều năm xét xử ông chưa gặp trường hợp nào các con bạc mua thẻ cào điện thoại để đánh bạc, đây là hình thức đánh bạc mới.

Phân tích thêm, ThS Nguyễn Thanh Thảo (giảng viên ĐH Luật TPHCM) cho biết: Nhà nước không hạn chế người dân mua thẻ cào điện thoại và hiện loại thẻ này không chỉ để nạp điện thoại mà còn dùng để thanh toán cho nhiều dịch vụ trên Internet. Do đó, chỉ khi nào cơ quan điều tra chứng minh các công ty viễn thông biết được việc bán thẻ cào này để phục vụ cho các con bạc tham gia đánh bạc thì mới có căn cứ để cho rằng họ thu lợi bất chính.

“Chưa quan tâm đúng mức quản lý tiền điện tử”

Thẻ cào được sử dụng đúng mục đích kinh doanh nhưng bị biến tướng thành phương tiện cờ bạc.

Nguyên nhân của biến tướng là chúng ta chưa quan tâm đúng mức việc quản lý tiền điện tử (ảo). Vì vậy cần rà soát các quy định pháp lý để bổ sung, điều chỉnh nếu cần thiết. Quan tâm đến công nghệ để có công cụ trợ giúp công tác quản lý. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xử lý kịp thời.

Các nhà mạng cần đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ trực tiếp của nhà mạng cũng như gián tiếp đến các bên thứ ba khác. Bên cạnh đó cần bảo vệ lợi ích quốc gia và chống các hành vi lừa đảo, gian lận, vi phạm, gây thiệt hại cho xã hội, cho người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề trên, cần có yêu cầu về công nghệ để đáp ứng mục tiêu quản lý. Có quy định đảm bảo đối soát thông tin để quản lý từ việc phát hành, mua bán tiền ảo, liên kết giữa các bên cung cấp dịch vụ, trung chuyển, đại lý cho đến tiêu dùng để không hợp đồng với các đối tác có biểu hiện lừa đảo, vi phạm hoặc gây hại cho xã hội, cho người tiêu dùng.

Ông Vũ Hoàn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam

Viết Thịnh (ghi)

Theo Tuyến Phan – Ngân Nga (PLO)

BẢN DESKTOP