KINH TẾ

Đường BT trục phía Nam Hà Tây cũ, sự nhập cuộc của các “đại gia” kín tiếng

  • Tác giả : Minh Quang
(khoahocdoisong.vn) - Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ có tổng chiều dài 41,5km, việc xây dựng được chia thành 02 giai đoạn. Giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành với diện tích đất đối ứng 400ha đã về tay Tập đoàn Mường Thanh. Dù giai đoạn 2 chưa triển khai, nhưng 182ha đất đối ứng có khả năng sẽ về tay một doanh nghiệp tư nhân.

Đất đối ứng về tay Tập đoàn Mường Thanh

Mới đây, Thanh tra TP Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà tại khu đô thị Thanh Hà - một trong những khu đất đối ứng cho dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Dự án BT này được UBND tỉnh Hà Tây thông qua đề xuất dự án triển khai thực hiện vào tháng 12/2007. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BT ngày 18/4/2008, trên cơ sở ký kết giữa Sở Giao thông Hà Tây với Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 - Cienco5. Theo đó Tổng Công ty Cienco5 là nhà đầu tư còn Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) là doanh nghiệp dự án.

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 41,5km, bắt đầu khởi công vào năm 2008 giai đoạn 1 với chiều dài 19,9km (từ Km00 - Km19+900). Dự án đối ứng cho đoạn đường này là Khu đô thị mới Thanh Hà A và Thanh Hà B - Cienco5 (quận Hà Đông, Hà Nội) có tổng diện tích gần 400ha (Thanh Hà A 195,51ha, Thanh Hà B 193,22ha).

Giai đoạn 2 của dự án (từ Km19+900 - Km41+500) có chiều dài 21,6km, với quỹ đất đối ứng là Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng, tại xã Cự Khê, xã Mỹ Hưng, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội), quy mô 182ha. Tuy nhiên, dự án đầu tư giai đoạn 2 đã bị UBND Hà Nội tạm dừng thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đầy tai tiếng trong cả quá trình thực hiện đến nay. Năm 2012 dự án này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm, trong đó nhiều đơn giá dự án được tính sai, bất hợp lý. Tổng dự án bị đội giá trên 1.081 tỷ đồng.

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra dự án này, phát hiện tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng tới 1.428 tỷ đồng (gồm 920 tỷ đồng chi phí lãi vay và 510,2 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất và công trình BT). Thậm chí nhà đầu tư còn không cung cấp tài liệu, có biểu hiện chống đối, cản trở hoạt động thanh tra.

Thực tế cho thấy, các khu đất đối ứng gồm KĐT Thanh Hà A và Thanh Hà B đến nay đã về tay Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh. Năm 2016, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản đứng đầu đã mua lại 95% cổ phần của Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land), qua đó giành quyền chi phối dự án khu đô thị Thanh Hà tại quận Hà Đông. Đến nay, ông Lê Thanh Thản vẫn giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Cienco5 Land.

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, với tổng chiều dài toàn tuyến 41,5km (Ảnh: Internet).

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, với tổng chiều dài toàn tuyến 41,5km (Ảnh: Internet).

Nhóm chủ mới trong Cienco5

Như đã nói, đến thời điểm hiện tại giai đoạn 2 của dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ vẫn chưa thể triển khai xây dựng. Đoạn này tổng chiều dài 21,6km và quỹ đất đối ứng là dự án Khu đô thị Mỹ Hưng quy mô 182ha, trên danh nghĩa chủ đầu tư vẫn là Cienco5.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, hiện giai đoạn 2 đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, thi công tuyến đường phần còn lại.

Cập nhật tới ngày 31/10/2019 tại Cienco5 cho thấy, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước sở hữu 17.560.000 cổ phần (tương đương 40% vốn điều lệ). Trong khi đó có sự xuất hiện của 02 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hải Phát nắm giữ tổng cộng 54,18% vốn điều lệ tại Cienco5.

Cụ thể là, Công ty CP đầu tư Hải Phát (Haiphat Invest) sở hữu 16.980.500 cổ phần Cienco5 (tương đương 38,68% vốn điều lệ), và Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô nắm giữ 6.804.500 cổ phần (tương đương tỷ lệ sở hữu đạt 15,5%).

Tìm hiểu cho thấy, từ tháng 8/2019 đến nay ông Nguyễn Văn Phương (SN 1979) làm Chủ tịch HĐQT tại Cienco5, ngoài ra ông Phương cũng đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Haiphat Invest; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô.

Bên cạnh đó, cuối tháng 2/2020, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thông báo tổ chức bán đấu giá toàn bộ 17.560.000 cổ phần (tương đương 40% vốn điều lệ) tại Cienco5, với mức giá khởi điểm là 19.300đ/cổ phần. Phiên đấu giá đã có  02 nhà đầu tư là tổ chức.

Kết quả đấu giá cho thấy đã có 01 nhà đầu tư trúng đấu giá toàn bộ cổ phần bán ra, với giá trị cả lô cổ phần là 342,42 tỷ đồng.

Khá trùng khớp, Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô từ mức nắm giữ 6.804.500 cổ phần tại Cienco5 (tương đương tỷ lệ sở hữu đạt 15,5%) đến nay số lượng cổ phần đã tăng thêm 17.560.000 cổ phần (đúng bằng số lượng SCIC vừa thoái) để nâng tổng số lượng cổ phần nắm giữ tại Cienco5 lên mức 24.364.500 cổ phần, tương đương 55,5% vốn điều lệ.

Tuy nhiên,  ngày 25/3/2020 Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô đã dùng toàn bộ số cổ phần này (24.364.500 cổ phần) gán cho Công ty CP HBI thực hiện một giao dịch giữa 02 bên.

Tìm hiểu cho thấy, Công ty CP HBI thành lập năm 2010, hiện do ông Vũ Kim Toán (SN 1955) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Nên biết, ông Vũ Kim Toán là một cá nhân quan trọng trong hệ sinh thái của Tập đoàn MIK Group. Nội dung này KH&ĐS sẽ đề cập sau.

Trở lại dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ giai đoạn 2, dù rằng đoạn đường này vẫn chưa được triển khai nhưng quỹ đất đối ứng 182ha hấp dẫn có lẽ luôn được các nhà đầu tư “lõi” nằm trong “vỏ” Cienco5 hướng đến.

Minh Quang

BẢN DESKTOP