Khoa học & Công nghệ

Dùng sắn dây hạ sốt cho trẻ có nguy hiểm?

Không ít các mẹ hiện nay thích chữa bệnh theo phương châm “thuận tự nhiên” đã chia sẻ những bài thuốc dùng sắn dây hạ sốt cho trẻ thay cho thuốc hạ sốt.

Hạ sốt bằng sắn dây?

Trên các diễn đàn về nuôi dạy trẻ có nhiều mẹ chia sẻ khi trẻ bị sốt có thể dùng bột sắn dây pha uống để thay thuốc hạ sốt. Theo đó, với cách làm rất đơn giản chỉ cần lấy 4 – 5 thìa bột sắn dây cùng một ít mật ong cho vào cốc nước được đun sôi và khuấy đều lên uống. Nhiều mẹ đồng tình vì cho rằng, sắn dây tính mát có tác dụng giải nhiệt nên hoàn toàn có thể áp dụng mà không cần dùng thuốc hạ sốt.

ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, khi trẻ sốt cao không được hạ sốt kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như co giật, tổn thương não, mất nước, để kéo dài thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không phải cha mẹ nào cũng có đủ kinh nghiệm để xử lý đúng khi trẻ sốt cao, sự lo lắng và lúng túng của cha mẹ lại gia tăng theo thân nhiệt của trẻ.

Vì vậy, không ít phụ huynh hoảng loạn và tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ, kể cả nghe theo những kinh nghiệm dân gian mà không kịp xem xét, tìm hiểu phương pháp đó có đúng và phù hợp với con hay không. Với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu, cơ thể lại vô cùng nhạy cảm, không nên áp dụng các biện pháp hạ sốt được truyền tai nhau để hạ sốt cho trẻ.

Khi trẻ sốt, cha mẹ cần nhanh chóng chườm khăn ấm và bổ sung nước giúp hạ sốt tránh biến chứng. Ảnh minh họa

Chia sẻ thêm, ThS.BS Trần Thu Nguyệt cho biết, theo Y học cổ truyền, sắn dây vị ngọt cay, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc. Hầu hết các bộ phận của cây sắn dây đều đã được sử dụng làm thuốc trong Đông y như củ sắn dây, bột sắn dây, hoa.

Bột sắn dây là một thức ăn mát, dùng trong mùa hè rất tốt, có tác dụng thanh nhiệt, chống táo bón, chống nhiệt miệng. Tuy nhiên, khi trẻ sốt lại chỉ cho uống bột sắn dây mà không dùng thuốc hạ sốt thì không nên. Trong trường hợp trẻ sốt cao, hoặc kèm theo các bệnh khác, nếu chỉ dùng bột sắn dây có thể không hạ được sốt dễ gây co giật hoặc biến chứng nguy hiểm.

Đồng thời, bệnh kèm theo không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những nguy hiểm khôn lường trước được. Chỉ nên dùng bột sắn dây là thứ nước uống hoặc đồ ăn giải khát, thanh nhiệt cho trẻ trong ngày hè, không nên dùng bột sắn dây để thay thế thuốc hạ sốt.

Các chuyên gia nhi khoa cũng cho rằng, những trường hợp sốt cao, sốt do virus thì bột sắn dây không có tác dụng làm giảm sốt mà chỉ có tác dụng bổ sung nước. Trong trường hợp trẻ sốt mà bố mẹ không muốn cho uống hạ sốt cũng cần lưu ý, không nên dùng các biện pháp vật lý như chườm lạnh, bôi dầu… vì có thể giúp trẻ hạ sốt một giờ đầu nhanh hơn nhưng sau trẻ sẽ sốt lại. Nếu sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng thêm khiến trẻ dễ nhiễm lạnh và viêm phổi do làm tăng khả năng sử dụng ôxy lên. Bởi vậy, nên dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt.

Lưu ý dùng sắn dây ngày hè an toàn cho trẻ

Trong ngày hè nóng nực, bột sắn dây vẫn được nhiều nhà dùng để giải nhiệt. Nhiều mẹ phân vân không biết nên dùng bột sống hay bột chín sẽ tốt hơn cho trẻ? ThS Nguyệt cho rằng, bột sắn dây là tinh bột lọc ra từ củ sắn dây và ở dạng “sống”, khi được quấy lên dễ dàng chuyển thành dịch nhão nhờ khả năng hồ hóa. Qua quá trình nấu chín, bột sắn trở nên dễ tiêu hơn.

Uống sống bột sắn dây, hàm lượng dinh dưỡng sẵn có trong sắn dây được giữ nguyên, mang lại những hiệu quả tốt nhất và cách pha cũng đơn giản dễ làm. Tuy nhiên, uống bột sắn dây sống sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nếu bột sắn dây đó không được làm sạch sẽ. Uống bột sắn dây sống cũng khó tiêu hóa hơn, nhất là những người có thể trạng hàn hoặc có bệnh về đường tiêu hóa, ví dụ như rối loạn dạ dày, ruột. Trẻ nhỏ các bộ phận còn yếu nên nếu dùng sống dễ bị tác động không tốt như lạnh bụng, tiêu chảy…

Bột sắn dây khi nấu chín sẽ bị giảm phần nào dược tính, kèm theo đó lượng dinh dưỡng cũng giảm đáng kể. Nhưng nấu chín lại an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ vì làm cho tính hàn giảm bớt. Hơn nữa, bột sắn dây nấu chín sẽ dễ tiêu hóa hơn rất nhiều. Cần lưu ý là khi nấu bột sắn dây, chỉ cần quấy nhẹ tay để bột chín chỉ vừa có độ trong là được, không nên nấu chín quá kỹ để giảm bớt tình trạng mất dược tính.

Để tránh những nguy hại, khi dùng bột sắn dây cho trẻ cần lưu ý:

Không cho trẻ ăn/uống quá nhiều bột sắn dây vì sẽ gây nhàm chán và ảnh hưởng đến việc ăn các thức ăn chính của trẻ như: Cháo, bột, dẫn đến trẻ thiếu dinh dưỡng cần thiết.

Khi dùng bột sắn dây nấu chín cho bé ăn, tốt nhất là chỉ dùng như một thức ăn phụ, không nên thay thế cho bữa ăn chính. Thức ăn từ bột sắn dây cung cấp rất ít năng lượng, trong khi trẻ nhỏ dưới 2 tuổi đang phát triển mạnh về chiều cao, cân nặng nên cần ăn uống đủ chất hơn thế.

Đối với trẻ nhỏ, khi pha/nấu bột sắn dây, hạn chế cho nhiều đường bởi sẽ gây biếng ăn và thậm chí bị nhiệt miệng nếu cho nhiều đường. Ngoài ra, khi pha bột sắt dây với đường (số lượng nhiều) và sử dụng triền miên hàng ngày dễ khiến trẻ dư thừa năng lượng do đường cung cấp và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Những người khỏe mạnh bình thường cũng không nên uống quá 1 ly nước sắn dây/1 ngày, trẻ em nên uống ít hơn lượng này.

Cách hạ sốt an toàn cho trẻ

Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ. Thường xuyên cặp nhiệt độ để kiể tra thân nhiệt.

Nếu thân nhiệt của trẻ khoảng 38 – 38,5°C có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp sau: Cởi bỏ bớt quần áo, dùng phương pháp hạ sốt vật lý (chườm mát – lau người cho trẻ bằng nước ấm). Có thể tắm nhanh trong nước này. Hạ sốt bằng thuốc hạ sốt thông thường, như Paracetamol hoặc Ibuprofen theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách giữa hai lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng.

Cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội, nước đỗ, nước sinh tố cam, chanh… tốt nhất là nước oresol, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều hơn. Cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám tìm nguyên nhân gây sốt và được điều trị kịp thời, đúng cách.

Theo Phương Thuận (Gia đình và Xã hội)

BẢN DESKTOP