Khám phá

Đừng ỉ lại vào phanh an toàn

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS với cơ chế bám – nhả liên tục khiến xe máy không bị mất lực bám ngang gây hiện tượng trượt ngã khi phanh đột ngột. Nhiều người lầm tưởng có hệ thống này, đi xe không phải lo đến các kỹ thuật xử lý. Theo các chuyên gia, phanh ABS vẫn có thể gây tai nạn nếu không có kỹ thuật điều khiển xe.

Phanh không ngã?

Mới đây, thị trường xe máy Việt Nam xuất hiện một số dòng xe trang bị phanh chống bó cứng ABS. Bạn đọc Trần Phương Anh (Tây Hồ – Hà Nội) gửi đến KH&ĐS thắc mắc: Hệ thống phanh chống bó cứng đồng nghĩa với việc có thể hoàn toàn yên tâm khi điều khiển xe, thoải mái phanh gấp mà không lo bị trượt ngã?

TS Dương Ngọc Khánh, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ABS là viết tắt của Anti-Lock Braking System, hệ thống chống bó cứng phanh. Sự cần thiết của ABS thể hiện rõ nhất khi xe khó phanh, đường trơn ướt hoặc những tình huống phanh bất ngờ. Khi phanh gấp gây ra hiện tượng khóa bánh xe, tức là má phanh dính chặt vào đĩa phanh không cho bánh xe quay, làm mất độ bám dẫn đến tai nạn.

Vai trò của ABS là phát hiện ra tình huống phanh xấu trước ngay khi nó thực sự xảy ra căn cứ vào lực bóp phanh cũng như tốc độ quay của bánh. Khi ABS kích hoạt, hệ thống duy trì độ trượt của bánh với mặt đường trong giới hạn cho phép.

Hệ thống ABS sẽ hỗ trợ bằng cách bóp và nhả liên tục, hạn chế lực tác động vào đĩa phanh khi người lái bóp hoặc đạp phanh quá nhanh, lực quá lớn và giữ bánh xe vẫn quay. Sau khi tình huống nguy hiểm đã tránh được, hệ thống sẽ tái áp dụng lực phanh lớn nhất để xe dừng nhanh hoặc cho tới khi phát hiện mối nguy khóa bánh mới.

Thành phần chính trong bộ cảm biến là loại cảm biến tốc độ. Xe máy trang bị ABS rất dễ nhận ra bởi cấu tạo đặc biệt của đĩa phanh, đó là một đĩa nhỏ có các khe hở nằm sát vào trục quay của bánh xe có thể phát hiện bằng quan sát thông thường.

Các khe hở này gọi là vòng xung (pulser ring) làm nhiệm vụ đo lường cho cảm biến tốc độ. Trong cùng một mốc thời gian, các cảm biến càng đọc được nhiều lần tín hiệu tốc độ cùng với nhau thì độ chính xác càng cao.

Không ỉ lại vào xe

TS Dương Ngọc Khánh cũng cho biết, dù là hệ thống phanh an toàn hơn nhưng không có nghĩa người điều khiển xe có thể ít lại vào xe để yên tâm về mức độ an toàn đối với các tình huống có thể xảy ra. “Nếu điều khiển không đúng cách, xử lý tình huống không tốt thì xe được trang bị phanh ABS vẫn có thể bị lộn nhào bình thường.

Tác dụng chống bánh xe trượt chỉ đem lại độ an toàn tuyệt đối khi có cùng các yếu tố là người điều khiển đúng kỹ thuật, môi trường đảm bảo an toàn. Hoặc nếu khoảng cách an toàn trước khi phanh bị phá vỡ thì khả năng bị đâm va đương nhiên vẫn có thể xảy ra.

Người sử dụng xe không nên “ảo tưởng” về khả năng kỳ diệu đó mà nghĩ rằng cứ đi thoải mái, phanh thoải mái”, TS Dương Ngọc Khánh cho biết.

Các chuyên gia khuyên, cần giữ khoảng cách “ít nhất 3 giây” với xe trước mặt, hoặc xa hơn nữa trong những tình trạng nguy hiểm. Khi lái xe trên những quãng đường trơn ướt hoặc đóng băng, tài xế vẫn phải cực kỳ cẩn trọng và tăng thêm khoảng cách với xe trước mặt, chứ không thể ỷ lại vào ABS.

Đừng bao giờ phóng nhanh trong lúc bẻ “cua”, đổi lane, hoặc biểu diễn tay lái bằng cách vòng vèo uốn lượn… tất cả đều là không an toàn đối với bất cứ loại xe nào. Vận tốc là một yếu tố quan trọng. Lái xe quá nhanh, thì dù ABS có phản ứng nhanh đến mấy cũng không thể giúp chúng ta triệt tiêu được sức đẩy của quán tính.

Mặc dù bánh xe không bị khóa, xe không trợt đi, bạn có thể bẻ tay lái sang phải hay sang trái, nhưng lực đẩy của quán tính vẫn đưa bạn sang một hướng khác.

Bảo Khánh

 Theo các chuyên gia, có một điều nên nhớ, ABS chỉ tạo điều kiện cho chúng ta điều khiển tay lái, chứ không thể lái thay chúng ta được.

Từ Khoá

BẢN DESKTOP