Khoa học & Công nghệ

Đừng giữ trẻ ở nhà khi đến tuổi đi học

Cho rằng việc con đi học mẫu giáo sớm là “tội nghiệp”, “nhẫn tâm”, “ác” và “sợ bị hành” nên không ít gia đình đã không cho con đi nhà trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giữ con “tại gia” chưa chắc đã tốt, do đó, trẻ cần đến lớp đúng độ tuổi. Cái quan trọng là bố mẹ phải chuẩn bị tư tưởng cho chính mình và cho con trẻ.

24 – 25 tháng là thời điểm vàng

Đây là tâm lý của rất nhiều bậc phụ huynh khi có con nhỏ. Rất nhiều lý do được đưa ra để không cho trẻ đi học như trẻ đến lớp dễ bị ốm, trẻ đến lớp không được chăm bẵm như ở nhà, thậm chí nhiều bố mẹ không cho trẻ đi học vì lo sợ vấn đề an toàn thực phẩm…

Chị Phan Thị Nhàn (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, bé nhà chị đã 34 tháng, nhưng chị chưa có ý định cho trẻ đi học bởi hiện nay ở nhà có bà nội, bà ngoại chăm. Theo chị, không có gì tốt bằng bà chăm. Lúc thức bà chơi với cháu; đến bữa bà nấu và cho ăn đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh; lúc đi ngủ có bà ôm ấp, vỗ về; trong khi đấy, theo chị Hà đi học một cô chăm vài cháu thậm chí là cả chục cháu làm sao mà bằng ở nhà.

TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục cho biết, việc thời điểm nào cho trẻ đi học là vấn đề mà nhiều gia đình đang gặp phải. Từ tình thương con nên nhiều cha mẹ nghĩ đến những vấn đề tiêu cực khi cho trẻ đi học, trong khi đó, việc đến trường có nhiều điểm tốt như trẻ sẽ tự lập, trẻ được vui chơi với bạn cùng độ tuổi… thì nhiều cha mẹ lại không nghĩ đến.

Đừng giữ trẻ ở nhà khi đến tuổi đi học

“Trong thời gian đầu trẻ đến lớp, bạn có thể mang theo cho con một tấm chăn hay đắp; món đồ chơi vẫn hay chơi ở nhà… để tạo cảm giác an tâm như lúc nào cũng có bạn ở bên trẻ”

ThS Trần Mạnh Hoàng (Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm)

Theo TS Trương Thị Kim Oanh, thời điểm vàng để trẻ thích hợp đến nhà trẻ là 24 – 25 tháng. Thế nhưng, các bậc phụ huynh không nên rập khuôn theo mốc thời gian này. Tùy vào sức khoẻ, tâm lý của trẻ, điều kiện gia đình để quyết định cho trẻ đi học.

Nếu gia đình không có điều kiện (bố mẹ đi làm, nhà không có người trông…), trẻ khoẻ mạnh thì có thể cho con đi học từ khi 17 – 18 tháng, thậm chí là có thể hơn; với những trẻ sức khoẻ kém, nhút nhát thì bố mẹ có thể cho đi học muộn hơn. Tuy nhiên, muộn ở đây cũng chỉ là đến 3 tuổi.

Cần làm tư tưởng cho cả bố/mẹ và con

TS Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, điều quan trọng nhất khi cho trẻ đến lớp là cần phải làm công tác tư tưởng và tâm lý cho cả phụ huynh và trẻ nhỏ trước khi cho trẻ đến lớp. Cha mẹ cần phải nhìn nhận việc đi học của trẻ theo hướng tích cực để tránh tâm lý lo lắng, sợ hãi từ đó ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý cho trẻ. Nhiều người nghĩ rằng, trẻ mới 2 – 3 tuổi không thể hiểu gì nhưng thực tế, trẻ biết hết những điều người lớn nói. Vì vậy, hãy nói với con về việc đi học, kể cho con nghe những điều thú vị đang chờ đón bé ở lớp học. Ngoài ra, trong thời gian đầu đến lớp, bố mẹ có thể giành thời gian cho con ví dụ, lúc đưa bé đến lớp hãy nán lại thêm một chút, lúc nào tiện đường, có thể tạt qua với bé.

Tuy nhiên, trong những lúc có mặt, các bậc phụ huynh không nên ôm ấp trẻ mà chỉ nên đứng quan sát và dùng ánh mắt động viên, khích lệ bé tham gia vào trò chơi của cô và các bạn. Hơn nữa, khi trẻ đi học về, bạn hãy hỏi trẻ những vấn đề theo hướng tích cực như hôm nay đi học con có đồ chơi gì mới; hôm nay đi học con quen được với mấy bạn… để tạo cho trẻ cảm giác thích đến lớp.

Các bậc phụ huynh cần tránh việc hỏi trẻ như con ăn có được nhiều không, con có bị bạn nào đánh không, con có khóc không, con có nhớ mẹ không… Những điều ấy phụ huynh nên hỏi cô giáo thay vì hỏi trẻ. Việc hỏi trẻ những câu hỏi này sẽ tạo tâm lý hoang mang, sợ hãi cho trẻ khi nghĩ về trường học.

Đức Anh

BẢN DESKTOP