Bình luận

Đừng để trẻ bước từ địa ngục này sang địa ngục khác!

  • Tác giả : Mai Loan (thực hiện)
"Khi giữa bố mẹ tình cảm không còn, thì ly hôn chính là sự giải thoát, cho cả đứa trẻ. Nhưng với nhiều trường hợp, bố mẹ lấy người khác, đứa trẻ sẽ bước từ địa ngục này sang địa ngục khác”, chị Lan Hương, nhân viên tư vấn Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 chia sẻ.

Chị Lan Hương, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111. Ảnh: Trần Hải.

Nhiều trường hợp còn khủng khiếp hơn

 Liên tiếp gần đây là những vụ việc trẻ bị bạo hành. Cảm xúc của chị, một nhân viên tư vấn Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em thế nào trước những thông tin đó?

Cảm xúc của tôi cũng như có lẽ bất kỳ người dân nào đều hết sức phẫn nộ trước hành vi bạo hành trẻ. Nhưng thực sự mà nói, chúng tôi từng tiếp nhận những trường hợp bị bạo hành khủng khiếp hơn nhiều. Mỗi khi nhận được cuộc gọi đơn thư đến thì không cầm lòng được. Mỗi câu chuyện là cảm xúc riêng.

Như vậy, việc trẻ em bị bạo hành và bị thương tổn nặng nề dường như không phải là câu chuyện quá cá biệt, thưa chị?

Đúng vậy, mỗi ngày chúng tôi vẫn nhận được các cuộc điện thoại báo về các vụ bạo hành trẻ em. Nhiều vụ không được đưa lên truyền thông, do nhiều lý do. Và thường là dư luận chỉ chú ý nhiều khi có một vụ việc nào đó được đưa ra. Nhưng với chúng tôi, những người làm nghề, là nỗi đau, day dứt hằng ngày, chưa bao giờ hết.

Thực tế chị thấy, trẻ thường gánh chịu những hậu quả như thế nào về tâm lý khi bị bạo hành?

Mỗi một vết thương trên da thịt trẻ, cũng đồng thời là những thương tổn về mặt tinh thần. Tuy nhiên, vết thương trên da thịt có thể lành lại, nhưng vết thương trong tâm hồn thì để lại di chứng rất nặng nề, nhất là đối với trẻ thơ, tâm hồn các em còn quá non nớt, dễ bị tổn thương.

Các em sẽ bị mất niềm tin vào người lớn, vào cuộc sống, vào xã hội. Khi lớn lên, các em dễ có nguy cơ đi bạo hành người khác. Mà một người mà sống không còn niềm tin thì quả thực là một điều đáng tiếc. Với những vụ xâm hại tình dục, thì thương tổn càng khủng khiếp. Có em đã tự tử vì không chịu nổi.

Từ địa ngục này, sang địa ngục khác

Nhiều vụ trẻ bị bạo hành liên quan tới mẹ kế, cha dượng. Mẹ kế đối xử tệ bạc, cha dượng thì xâm hại tình dục. Nhiều người đặt vấn đề, việc bố mẹ ly hôn dường như chính là nguyên nhân đẩy trẻ đến nguy cơ bị dễ bị bạo hành, xâm hại hơn, từ đó kêu gọi, mọi người hãy cân nhắc, cố giữ gia đình vì con?

Gia đình luôn có  tầm quan trọng rất lớn đối với đứa trẻ. Tôi từng làm việc với những nhóm trẻ và hỏi, điều gì khiến các em cảm thấy mất an toàn nhất thì các em luôn trả lời là khi bố mẹ đánh, chửi nhau, và nói rằng không biết bấu víu vào đâu nếu gia đình tan vỡ.

Bởi vì, với các em, gia đình luôn là chốn an toàn,  là nơi được bảo vệ. Thế nhưng, có nhiều trường hợp gọi điện tới đường dây khóc lóc thảm thiết bảo bố đang đánh mẹ chảy máu vỡ đầu, con giờ phải làm sao…

Nhiều em nói khi bố mẹ đánh, chửi nhau, con có cảm giác chết đi được. Thì những trường hợp đó, ly hôn lại là một giải pháp tốt, giải thoát trẻ khỏi những chấn động tâm lý.

Với trẻ em, gia đình luôn là chốn an toàn, được bảo vệ. Ảnh minh họa.

Tức là việc bố mẹ ly hôn không hoàn toàn xấu đối với những đứa trẻ, thưa chị?

Điều đó còn tùy thuộc vào việc mối quan hệ của bố mẹ sau ly hôn như thế nào. Nếu hai người vẫn giữ được mối quan hệ bạn bè, cùng chăm sóc, yêu thương con, con vẫn được gần gũi, thăm nom bởi cả bố và mẹ thì trẻ sẽ không chịu tác động xấu về tâm lý từ việc bố mẹ ly hôn.

Và điều đặc biệt, là khi bố, mẹ tìm “bến đỗ mới”, tức là người bạn đời tiếp theo của mình, cần phải tìm hiểu kỹ về phẩm chất đạo đức, cách đối xử với con riêng của vợ/chồng như thế nào… Để tránh việc trẻ từ địa ngục này (tức là cuộc hôn nhân cũ của bố mẹ) lại bước sang một địa ngục khác.

Nhưng có những trường hợp, cũng không thể lường trước được, vì bản chất một con người, đôi khi lại được che đậy bằng một vỏ bọc rất hoàn hảo, thưa chị?

Tôi cho rằng bản thân người mẹ, bố phải trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng về bạo hành, xâm hại tình dục. Ví dụ, dạy cho con biết, thế nào là xâm hại tình dục, đâu là bộ phận trên người con mà người khác không được phép chạm vào, khi chạm vào thì con phải làm gì…

Vì có những em bé, đã nhầm lẫn giữa việc được yêu thương và bị xâm hại. Chẳng hạn ở nhà, ông bà thường nựng nịu khi chạm vào bộ phận sinh dục và nói rằng, ông yêu, bà yêu, vì ông bà yêu ông bà mới chạm vào  chẳng hạn. Thì khi kẻ xâm hại làm thế, bé cũng tưởng đang được yêu thương…

Và cần phải dõi theo, quan tâm con ngay cả khi con không ở với mình? Có nhiều người tỏ ra khó hiểu trước việc hai năm liền con bị bạo hành, mà mẹ bé K. cũng không hề biết, không được gặp mà cũng không tìm cách liên lạc với con?

Tôi có đọc bài báo nói rằng, giữa mẹ và con thường có mối linh cảm đặc biệt. Vậy mà ở đây người mẹ không có mối linh cảm đó thì chứng tỏ sợi dây tình cảm giữa mẹ và con dường như có vấn đề.

Theo tôi, không thể căn cứ vào linh cảm của một ai đó để kết tội hay trách móc họ. Mẹ bé K. khi hay tin con đã rất đau lòng, đừng khoét sâu thêm nỗi đau. Việc cần làm là tập trung làm sao để lo cho bé K. sớm hồi phục

Trong thông cáo phát đi ngày 1/11 của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) về tình trạng bạo lực đối với trẻ em trên toàn thế giới, UNICEF cảnh báo thực trạng báo động khi một số lượng lớn trẻ em, kể cả những trẻ chỉ mới 12 tháng tuổi, đang bị đối xử bạo lực. Tại 28 quốc gia có dữ liệu điều tra, trung bình 90% trẻ em gái vị thành niên từng bị ép quan hệ tình dục nói rằng thủ phạm xâm hại tình dục là người quen của các em. Trên toàn thế giới, 1/4 trẻ dưới 5 tuổi (khoảng 176 triệu em) đang sống với mẹ đã bị bạn tình của mẹ hành hạ. Báo cáo của UNICEF cảnh báo gần 68,4% trẻ em trong độ tuổi 1 – 14 ở Việt Nam đang phải đối mặt với một dạng thức bạo lực trong gia đình.

Lỗ hổng ở người thực thi

Có nhiều ý kiến cho rằng, nước ta có rất nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em. Thế nhưng, khi xảy ra sự việc, thì nhiều trường hợp gia đình phải “đơn thương độc mã” đi tìm chân lý, không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ những tổ chức đó. Quan điểm của chị như thế nào?

Theo tôi nói như vậy cũng không hoàn toàn đúng, ví dụ như đường dây 111 (trước là đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em) theo tôi là đã can thiệp,  hỗ trợ kịp thời nhiều vụ việc. Nhưng có thể chưa nhiều người biết đến đường dây này.

Thứ hai công cuộc bảo vệ trẻ em là của toàn xã hội, ở tất cả các lĩnh vực ví dụ như công an, hội phụ nữ, thanh niên, giáo dục, y tế… Cần có sự phối hợp, góp sức của cả cộng đồng…

Theo chị, nguyên nhân nào khiến cho những vụ việc bạo hành trẻ em gia tăng, và nhiều trường hợp chịu thương tổn rất nặng nề?

Trẻ em là đối tượng yếu thế, nên rất dễ bị bạo hành. Đặc biệt là sự bao che, che giấu từ phía gia đình. Đa số trẻ bị bạo hành, xâm hại từ chính những người thân trong gia đình, và người trong cuộc không dám tố cáo vì sợ bị “mất mặt”, bị đánh, bị ruồng bỏ, con gái lớn lên không lấy được chồng…

Có em bé bị cha dượng xâm hại, mẹ bé biết nhưng không tố cáo, cho đến khi đứa con gái thứ hai  bị xâm hại mới lên tiếng thì hậu quả đã rất đáng tiếc. Và một lý do quan trọng nữa là từ người thực thi pháp luật, có thể đổi trắng thay đen, thay đổi tội danh.

Vậy cần có giải pháp nào để khắc phục được những điều trên?

Theo tôi cần có sự tuyên truyền, để người dân biết, khi cần, phải biết làm gì. Ví dụ như việc thu thập chứng cứ, trình báo ở đâu khi xảy ra sự việc (chẳng hạn, chứng cứ của việc trẻ bị xâm hại tình dục sẽ rất dễ bị mất đi theo thời gian)…

Thứ hai là tuyên truyền pháp luật, khi người ta hiểu luật sẽ phần nào chùn bước trong việc thực hiện hành vi trái pháp luật.

Và điều đặc biệt, là pháp luật cần có sự nghiêm trị đối với các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, cũng như sự bao che, dung túng cho những hành vi tội ác.

Tôi vẫn đi giảng miễn phí kỹ năng cho học sinh ở các nhà trường và cũng đang dự định làm một dự án phi lợi nhuận, tổ chức các nhóm trẻ tuyên truyền lại cho nhau các kỹ năng phòng tránh, tự vệ khi bị bạo hành, xâm hại… Bởi tôi nhận ra rằng, khi trẻ nói với trẻ, thì trẻ sẽ dễ tiếp nhận thông tin hơn, dễ tuyên truyền hơn.

Trân trọng cảm ơn chị!

Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi bức xúc và đau xót trước vụ việc bé trai Trần Gia K. (10 tuổi) bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành đến gẫy xương sườn, rạn sọ não tại Hà Nội. Theo lời kể của cháu K. gần 2 năm qua cháu không được đi học, thường xuyên phải làm việc nhà và hay bị đánh đập. Vì thế, ngày 5/12 lợi dụng sơ hở cháu K. đã bỏ trốn khỏi nơi ở và về nhà ông bà nội để cầu cứu. Sự việc chưa lắng xuống thì tiếp tục lại một bé 9 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) cũng bị bố đánh thương tích đầy người vì xin chữ ký vào bản kiểm điểm. Bố mẹ bé đã chia tay, và bé thường xuyên chịu những trận đòn từ bố.

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP