Khoa học & Công nghệ

Đừng để mắc bệnh vì vật dụng khi tắm

Tắm là hoạt động làm sạch cơ thể; tuy nhiên nhiều khi chúng ta lại làm cơ thể “bẩn” hơn với vi khuẩn và hóa chất. Đừng để mắc bệnh vì vật dụng khi tắm là lời khuyên của các chuyên gia.

Đừng để mắc bệnh vì vật dụng khi tắm là cảnh báo của các chuyên gia.

Ổ vi khuẩn từ bông/mút

Những miếng bông, mút tắm là vật dụng giúp bạn làm sạch cơ thể. Tuy nhiên ít ai nghĩ rằng chúng lại là một ổ vi khuẩn và gây bẩn ngược lại cho cơ thể của bạn.

Chuyên gia J. Matthew Knight, thuộc Viện Da liễu Knight Dermatology Institute, cho rằng các bông/mút tắm có thể có hại nhiều hơn cái lợi mà chúng mang lại. Nó thực sự có thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại phát triển và sinh sôi chỉ trong một đêm. Điều tồi tệ nhất là nhiều người sử dụng mà không biết rằng điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và một số các vấn đề về da khác.

ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Phòng khám Da liễu Beauty Clinic, Đống Đa, Hà Nội, cho rằng, bạn khó có thể chỉ làm sạch cơ thể bằng tay. Vì vậy, việc sử dụng miếng bông/mút tắm là cần thiết. Quan trọng là sau mỗi lần tắm, bạn phải giặt sạch và phơi khô nơi nắng gió, nhất là nơi có ánh nắng Mặt Trời để diệt khuẩn.

Vào những ngày trời mưa gió, bạn phải giặt chúng bằng nước nóng để diệt bỏ hết nấm mốc, vi khuẩn. Và tốt nhất đừng chờ đến khi chúng hỏng mới thay, tốt nhất bạn nên thay chúng trong 3- 6 tháng/lần. Ngoài ra, bạn không nên dùng chung miếng bông/mút tắm này. Tốt nhất, mỗi thành viên trong gia đình nên có một chiếc riêng. Bạn có thể đánh dấu bằng các màu khác nhau để đỡ nhầm lẫn.

Tương tự bông/mút là khăn tắm. Khăn tắm thường to nên ít người giặt ngay sau một lần lau, tuy nhiên, sau mỗi lần lau, chúng ta thường để lại trong nhà tắm để chờ lần tiếp theo. Môi trường kín bí của nhà tắm là điều kiện lý tưởng để khăn tắm trở thành ổ vi khuẩn và nấm bệnh. Theo Philip Tierno, một nhà vi trùng và bệnh lý học đến từ Đại học Y New York (Hoa Kỳ), nấm dermatophytic được tìm thấy sống ký sinh trên khăn và gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Các chuyên gia cho rằng, với một chiếc khăn tắm khô, bạn chỉ nên sử dụng tối đa 3 lần. Sau mỗi lần tắm, bạn phải mang ngay chúng ra khỏi nhà vệ sinh và phơi chúng ở chỗ khô thoáng. Đối với một chiếc khăn tắm ẩm ướt, tốt nhất là bạn nên giặt ngay sau khi sử dụng.

Cẩn thận với hóa chất

Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược phẩm Mỹ, một số sản phẩm xà phòng, sữa tắm có chứa chất triclosan là chất có liên quan đến các vấn đề về chức năng cơ bắp, nguy cơ dẫn đến bệnh tim và cả sự gián đoạn hoạt động của hoóc môn sinh sản. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng xà phòng, sữa tắm diệt khuẩn có tác dụng rất hạn chế.

Hơn nữa, nhiều nguy cơ có thể phát triển cùng với việc sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn này. Trong đó, nổi bật nhất là nguy cơ thúc đẩy vi khuẩn trở nên kháng kháng sinh, tạo cơ hội cho chúng phát triển mạnh và phá hủy hệ vi sinh vật tồn tại cộng sinh trên cơ thể con người, trong đó bao gồm rất nhiều vi khuẩn có ích.

Ngoài ra, các sản phẩm hóa mỹ phẩm có mùi hương như sữa tắm, sữa dưỡng thể,… còn là nguồn tiếp xúc hóa chất bay hơi độc hại. Báo cáo của Hiệp hội Bệnh phổi Hoa Kỳ (American Lung Association) cho thấy các VOC (các hóa chất bay hơi) có trong các sản phẩm này có thể gây khó chịu mắt và da, các vấn đề liên quan đến phổi và đường hô hấp, gây nhức đầu, chóng mặt, khó thở.

Chuyên gia Nguyễn Mai Hương, Thẩm mỹ Viện Trúc Lâm khẳng định, rất nhiều trường hợp sử dụng các sản phẩm tẩy rửa và làm sạch da nhưng lại khiến da “bẩn” hơn vì bám hóa chất. Vì vậy, hãy rửa sạch với nước để các sản phẩm này còn lưu lại trên da.

TS. BS Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam ví dụ triclosan và triclocarban là chất kháng khuẩn, nấm thường được dùng trong kem đánh răng, xà phòng, xà phòng tắm, sữa tắm, chất tẩy rửa… Những lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe của triclosan lên hệ nội tiết đã được nêu lên khi phát hiện chúng xuất hiện trong sữa mẹ, máu và nước tiểu.

Huy Khánh

BẢN DESKTOP