Thời sự

Dùng cồn nướng thức ăn nữ bệnh nhân 26 tuổi bỏng nặng

  • Tác giả : Thúy Nga
Do lửa cồn có màu trắng nên nhiều người không nhìn thấy lửa, tưởng rằng cồn đã hết liền tiếp tục đổ thêm cồn vào, khiến ngọn lửa bùng lên và gây bỏng nặng. Người dân cần biết cách phòng tránh.

Bệnh nhân nữ 26 tuổi vào bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng đau rát vùng mặt, cổ, bụng và cẳng bàn tay 2 bên, diện tích bỏng ước tính khoảng 20%, các tổn thương bỏng độ II, độ III…do bị bỏng lửa cồn và chưa xử trí gì.

Khi vào viện các bác sĩ đã nhanh chóng giảm đau, truyền dịch, sơ cứu ban đầu những vùng bỏng cho bệnh nhân. Sau xử trí ban đầu bệnh nhân tạm thời ổn định và được chuyển về viện bỏng quốc gia để theo dõi, điều trị tiếp.

Bệnh nhân bị bỏng cồn nặng

Bệnh nhân bị bỏng cồn nặng

Các bác sĩ đa khoa Hùng vương cho biết, bỏng cồn rất nguy hiểm. Với những bệnh nhân bị bỏng lửa do cồn, tùy theo mức độ, diện tích bỏng, khi khỏi thường để lại sẹo co rúm trên da, thời gian điều trị khá lâu và khó khăn đối với những trường hợp bỏng nặng. Thậm chí, sẽ để lại sẹo và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên dùng cồn để nướng thức ăn trong sinh hoạt hàng ngày. Vì cồn cháy lan rất nhanh, dễ gây bỏng và gây nên tổn thương nặng nề. Nếu nướng bằng cồn cần quan sát kỹ để ngọn lửa tắt hoàn toàn, tránh đổ thêm cồn trực tiếp vào ngọn lửa khiến lửa bùng phát gây bỏng nghiêm trọng.

Bởi do lửa cồn có màu trắng nên nhiều người không nhìn thấy lửa, tưởng rằng cồn đã hết liền tiếp tục đổ thêm cồn vào, khiến ngọn lửa bùng lên. Một số người giật mình, rụt tay lại, làm đổ cả chai cồn, khiến lửa càng bùng lên dữ dội, gây bỏng nặng.

Chính vì vậy, khi nướng mực, cá cần chú ý, chỉ đổ một lượng cồn vừa phải ra để sử dụng. Chai cồn cần được đậy nắp thật chặt và để cách xa nơi nướng. Khi cần tiếp thêm cồn, nên đổ cồn ra một cái chén nhỏ, đợi đến khi chắc chắn lửa đã tắt hẳn thì mới cho thêm cồn vào.

So với cồn nước, cồn khô an toàn hơn do ít gây cháy lan, tuy nhiên người dùng vẫn có thể bị bỏng nếu không tuân thủ một số chú ý sau đây: Không được lấy tay bỏ cục cồn vào bếp mà phải dùng kẹp gắp, đặc biệt khi bếp đang cháy; khi châm cồn nên dùng miếng giấy dài, tuyệt đối không được châm trực tiếp bằng diêm hoặc bật lửa.

Dùng cồn nướng thức ăn nữ bệnh nhân 26 tuổi bỏng nặng ảnh 3

Dùng cồn nướng thức ăn nữ bệnh nhân 26 tuổi bỏng nặng

Khi bị bỏng cồn cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; cởi bỏ quần áo, giày dép đang cháy và dùng nước để dập lửa. Ngâm vết bỏng vào nước lạnh ngay lập tức, nếu để sau 15-20’ sẽ không có tác dụng. Dùng băng gạc quấn chặt chỗ bỏng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Trường hợp cơ sở y tế ở xa, cần cho bệnh nhân uống nước orezon để tránh sốc.

Tuyệt đối không làm vỡ đám rộp nước; không bôi bất cứ dầu, mỡ, kem đánh răng, rượu, muối, bùn… lên vết bỏng, để tránh làm nhiễm khuẩn vết thương, gây di chứng nghiêm trọng sau bỏng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP