Y học và đời sống

Đừng chủ quan ho ra máu

Ho ra máu có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý từ nhẹ đến nặng như viêm hầu họng, các bệnh tắc giãn phế quản, lao phổi, ung thư phổi… Dù trước đó, bệnh không có có tình trạng ho dai dẳng, sốt cao hay sút cân.

Ho ra máu là dấu hiệu của nhiều bệnh.

Trước khi ho ra máu, một số người có thể có các triệu chứng báo trước như đau tức và khó chịu trong ngực, nóng vùng sau ức, ngứa hoặc đau rát cổ họng.

Thường ho ra máu chỉ kéo dài một đến vài ngày thông qua việc khạc, ho cùng dịch. Sau đó có thể kết thúc bằng khạc ra dịch có lẫn các cục máu đã đông màu đen, gọi là đuôi máu.

Nhiều bệnh nhân chỉ biết mình ho ra máu khi có đuôi máu đen đó. Đó là do bệnh nhân ho ra máu ít, còn ho ra máu nhiều bệnh nhân sẽ nhận thấy máu tươi vọt ra ngoài trong mỗi lẫn bật ho với các bọt khí.

Khi ho ra máu, chứng tỏ một bộ phận của hô hấp dưới bị tổn thương, chảy máu cho đến khi khạc ra ngoài.

Các bệnh nặng, tình trạng ho ra máu có thể diễn ra dai dẳng, hoặc đỡ nhưng sau đó tái phát. Ví dụ như ở các bệnh nhẹ như viêm phế quản, ho ra máu có thể ngắn ngày sau đó khỏi do vết thương được chữa lành.

Với các biểu hiện ít ỏi này ban đầu khó có thể chẩn đoán người bệnh bị gì. Nhưng nhất thiết, khi ho ra máu nhiều cần được cấp cứu hoặc thăm khám để tránh tình trạng bệnh nhân gặp phải biến chứng. Đó là, do máu ra nhiều, ồ ạt nên bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng ngạt sặc máu. Lúc này bệnh nhân sẽ khó thở, có tình trạng ngạt và nguy cơ có thể tử vong.

Biến chứng kèm theo ngạt khi ho ra máu chính là mất máu nhiều. Để mất máu nhiều, bệnh nhân phải ho liên tục với lượng máu bị chảy ra nhiều. Các biểu hiện cho thấy bệnh nhân mất máu như choáng, huyết áp giảm, mạch nhanh, da nhợt nhạt, rối loạn hô hấp…

Còn đối với bệnh nhân chỉ biết mình bị ho ra máu khi phát hiện thấy đuôi máu cũng cần đi khám bác sĩ. Dù trong nhiều trường hợp bệnh đã qua một thời gian và không còn đuôi máu vẫn cần tiến hành như vừa mới bị. Điều này nhằm tìm ra các nguyên nhân cũng như chẩn đoán bệnh nếu có.

Nhiều bệnh lý chỉ ho ra máu trong thời gian ngắn nhưng bệnh lại phát triển một cách âm thầm như ung thư phổi, ung thư phế quản. Nếu người bệnh chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu này có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng và can thiệp điều trị khó khăn hơn.

BS Phạm Thái Nguyên

(nguyên bác sĩ Khoa Nội, Bệnh viện Quân y 103)

BẢN DESKTOP