Khoa học & Công nghệ

Đừng ăn trong thế giới ảo

Các nhà khoa học cảnh báo, việc bạn ăn khi đang ngồi trước màn hình thiết bị điện tử là rất nguy hiểm. Thay vì quá tập trung vào mạng xã hội, một bộ phim hay hoặc mải mê nhắn tin, bạn hãy dành thời gian cho  những người thân trong cuộc đời thực.

Việc vừa ăn vừa sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại là rất nguy hiểm.

Tay di chuột, tay cầm ổ bánh mì

Việc bạn vừa ăn vừa ngồi trước màn hình tivi hoặc máy tính không còn là điều lạ trong xã hội hiện đại. Người già và trẻ em thường có thói quen vừa xem tivi vừa ăn, miệng thì nhai nhưng mắt thì dán vào màn hình; còn người trẻ, nhất là dân văn phòng thì vừa ăn vừa ngồi trước màn hình máy tính là chuyện khá phổ biến.

Việc một tay di chuột, một tay cầm ổ bánh mì là điều hết sức bình thường. Thói quen này thường lặp đi lặp lại và hầu như chẳng mấy ai quan tâm tới việc vừa ăn vừa nhìn màn hình thì sẽ thế nào.

Theo nghiên cứu tại trường Đại học Loughborough (Anh) về mối liên kết giữa xem tivi và chế độ ăn uống, những người ngồi xem tivi thường có thói quen thưởng thức đồ ăn nhẹ, đồ ăn/uống nhanh (dạng fastfood), trong khi ăn rất ít trái cây, rau quả…

Những đồ ăn fastfood tiềm ẩn nguy cơ gây béo phì và hệ quả là các bệnh liên quan đến tim mạch. Đặc biệt, thói quen vừa ăn vừa xem tivi cũng gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, bạn bị phân tán sự tập trung và giảm khả năng cảm nhận hương vị của các món ăn. Bạn đồng thời khó kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

Nghiên cứu của TS Jeff Brunstrom, Đại học Bristol (Anh) về mối quan hệ giữa việc vừa ăn vừa nhìn màn hình máy tính cũng cho thấy, hành động này khiến chúng ta rất dễ bị tăng cân. Việc thao tác trên máy tính dù là để tiếp tục công việc đang dang dở hay chỉ là giải trí như chơi game, lướt mạng xã hội đều ảnh hưởng đến “sự ghi nhớ bữa ăn”.

Hành động này khiến chúng ta dường như mất ý thức về những gì mình đã ăn và mất cảm giác ngon miệng, thời gian cho bữa ăn cũng kéo dài hơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến dạ dày và quá trình tiêu hóa thức ăn.

Chuyên gia Trần Văn Đông: Trong bữa ăn, bạn cần biết kiểm soát cảm xúc của mình. Hãy tập trung vào món ăn của mình để lắng nghe những báo hiệu từ cơ thể. Kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ làm chủ được số đo cơ thể cũng như sức khỏe của mình.

Dành bữa ăn cho cuộc đời thực

Viết trên trang tư vấn sức khỏe verywell.com, TS Mark Stibich, một chuyên gia về thay đổi hành vi, người đã nhận được bằng tiến sĩ về hành vi sức khoẻ của Trường Y tế Công cộng, Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cho rằng, ăn có thể còn là một sự kiện mang tính kết nối xã hội.

Vì vậy, thay vì quá tập trung vào mạng xã hội, một bộ phim hay hoặc mải mê nhắn tin, bạn hãy dành thời gian cho những người thân trong cuộc đời thực. Ở bữa ăn bạn có thể trò chuyện với bạn bè và gia đình của mình nhiều hơn, cải thiện mối quan hệ và cảm thấy gắn kết hơn, đồng thời cũng là cách để bạn giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Tại bữa ăn, bạn hãy kể một câu chuyện vui nào đó, những kế hoạch sẽ thực hiện trong tuần, kể về một việc tốt nào đó bạn gặp hoặc đọc trên sách báo… Ngược lại, đây cũng là khoảng thời gian để bạn lắng nghe người thân/bạn bè và thấu hiểu họ hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia ẩm thực Trần Văn Đông, chuỗi nhà hàng Vinh Việt, cho rằng, bữa ăn mang tính kết nối, song bạn cũng đừng quá tập trung vào việc trò chuyện trong bữa ăn. Việc nói quá nhiều và quá tập trung vào câu chuyện có thể khiến bạn ăn nhanh hơn, ăn nhiều/hoặc ít hơn lượng thức ăn cần thiết.

Vì vậy, hãy kiểm soát bữa ăn cũng như cách thức ăn uống của mình để làm sao bạn có thể ý thức được mình đang ăn gì, nhai gì. Việc này giúp ích cho quá trình nhai của bạn, bạn sẽ không nhai thức ăn một cách quá nhanh, đồng thời giúp bạn cảm nhận được hương vị khi thưởng thức món ăn.

Huy Khánh

BẢN DESKTOP