Giải pháp

Dự thảo Luật BVMT sửa đổi: Cần làm rõ trách nhiệm của cộng đồng​​​​​​​

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã nêu rõ được quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi đang lấy môi trường làm trung tâm cho các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do đó, Luật có các cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững thông qua việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon.

Trong đó, Luật sửa đổi lần này dần phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện; trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm. Đồng thời, luật cũng quy định rõ các chế tài xử lý đảm bảo đủ tính răn đe để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

Cụ thể, như nguyên tắc tính thuế, phí bảo vệ môi trường. Thuế hiện nay chỉ đánh vào sản phẩm nhưng đang được kiến nghị sửa đổi không chỉ đánh vào sản phẩm mà đánh vào hành vi. Ví dụ các sản phẩm sử dụng một lần thì sẽ bị đánh thuế cao lên, các sản phẩm thân thiện môi trường được kiến nghị đánh thuế thấp xuống.

Phí cũng tương tự. Dự thảo Luật lần này quy định mức phí BVMT của từng cá nhân, hộ gia đình theo hình thức “xả thải nhiều, đóng phí nhiều” để nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với việc xả thải.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Như Mai, Dự thảo Luật cần bổ sung các quyền của doanh nghiệp vì dự thảo luật hiện chủ yếu quy định trách nhiệm của doanh nghiệp (kiểm kê khí nhà kính, nộp thuế…). Bên cạnh đó, cần quy định rõ nét hơn về quyền tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội vì dự thảo quy định còn chung chung.

Ngoài ra, Dự thảo luật còn nêu ra quyền, trách nhiệm của hàng loạt tổ chức chính trị, xã hội như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân… nhưng lại bỏ quên mất các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nên để các tổ chức phi lợi nhuận có thể đại diện cho cộng đồng đưa đơn kiện các hành vi vi phạm môi trường. Đây là một biểu hiện rõ ràng của tinh thần mới, để cộng đồng chung tay tham gia bảo vệ môi trường.

Hồng Nhung

BẢN DESKTOP