Thời sự

Du lịch rừng, suối cẩn thận mắc xoắn khuẩn Leptospira gây suy đa tạng

  • Tác giả : ThS.BS Đỗ Văn Tùng
Đây là trường hợp nhiễm xoắn khuẩn Leptospira thứ 3 Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận trong thời gian gần đây. Bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi đi rừng, suối về.

Khoa Nội thận- tiết niệu và Lọc máu, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp tục điều trị thành công cho người bệnh H.T.K (xã Khang Ninh, Ba Bể, Bắc Kạn) có tình trạng tổn thương thận cấp và suy gan cấp do nhiễm khuẩn 𝐿𝑒𝑝𝑡𝑜𝑠𝑝𝑖𝑟𝑎.

Trước đó, người bệnh H.T.K được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn trong tình trạng sốt, da vàng, củng mạc mắt vàng, phù, tiểu ít, đau đầu buồn nôn, đau tức ngực, đau hạ sườn phải.

Theo lời kể của người nhà người bệnh, trước khi vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn 7 ngày, người bệnh cùng bạn có đi rừng, đi suối. Khi về nhà người bệnh xuất hiện sốt, tiểu ít, đau đầu, buồn nôn, phù toàn thân, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Khi thấy da vàng, củng mạch mắt vàng, nôn nhiều, không đi tiểu được, người bệnh vào viện.

Bệnh nhân nhiễm xoắn khuẩn Leptospira gây suy đa tạng đã được cứu sống

Bệnh nhân nhiễm xoắn khuẩn Leptospira gây suy đa tạng đã được cứu sống

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, người bệnh được chẩn đoán suy đa tạng được chỉ định truyền dịch, đặt sonde tiểu, chống toan máu nhưng tình trạng không đỡ, phải chuyển Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để điều trị.

Sau khi điều trị nội khoa, dùng kháng sinh đặc trị liều cao phối hợp và lọc máu cấp cứu 6 lần, sức khỏe của người bệnh đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên chúng tôi cũng phát hiện trên cơ thể người bệnh có những biểu hiện điển hình của một loại vi khuẩn gây tổn thương gan thận (một số biểu hiện lâm sàng: sốt, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có tổn thương chức năng gan, thận và đặc biệt có tiền sử dịch tễ là đi rừng, suối).

Sau khi trao đổi với người nhà và tiến hành làm thêm các xét nghiệm về vi khuẩn và virus, người bệnh dương tính với xoắn khuẩn Leptospira.

Đây là trường hợp nhiễm xoắn khuẩn Leptospira thứ 3 mà khoa tiếp nhận và điều trị trong thời gian gần đây. Các bác sỹ tiếp tục dùng phác đồ sử dụng kháng sinh đặc trị, điều trị hỗ trợ lọc máu, các thuốc bổ gan, tăng cường dinh dưỡng. Sau 16 ngày được điều trị tích cực, người bệnh đã hồi phục, ăn uống ngon miệng, các chỉ số đánh giá phục chức năng gan, thận đã trở về bình thường và đã được xuất viện.

Qua trường hợp của người bệnh K và số ca mắc xoắn khuẩn gia tăng trong thời gian ngắn, người dân cần được tuyên truyền rộng rãi để biết được nguy cơ và mức độ nguy hiểm của xoắn khuẩn Leptospira, từ đó có các phương pháp bảo vệ bản thân và gia đình trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Leptospira là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Bệnh có thể gặp ở nhiều nước trên thế giới. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, qua đường da và niêm mạc. Bệnh do Leptospira gây ra có đặc trưng bởi hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, hội chứng gan thận.

Khoảng thời gian từ khi một người tiếp xúc với nguồn ô nhiễm đến khi phát bệnh là từ 2 ngày đến 4 tuần. Bệnh thường bắt đầu đột ngột với sốt và các triệu chứng khác như ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, nôn ói, tiêu chảy…

Thể nặng người bệnh có thể bị suy thận, suy gan hoặc viêm màng não với những triệu chứng nặng nề hơn như: Vàng da, vàng mắt, tiểu ít, ban xuất huyết, xuất huyết các cơ quan, sốc…

Bệnh kéo dài từ vài ngày đến 3 tuần hoặc lâu hơn. Nếu không điều trị, có thể mất vài tháng để phục hồi hoặc có thể dẫn đến tử vong.

Do đó nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến khám tại các cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

ThS.BS Đỗ Văn Tùng (Phó trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu)

ThS.BS Đỗ Văn Tùng

BẢN DESKTOP