KINH TẾ

Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

  • Tác giả : Trà My
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình trước Quốc hội dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Chỉnh phủ và Nhà nước. Là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng tiến tới dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng. Đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh.

Báo cáo cũng đã chỉ ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Còn đối với mục tiêu củng cố nền kinh tế vĩ mô cần đạt được là giảm dần thâm hụt ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 3,7% GDP.

Đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP. Ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP. Còn đối với trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP

Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021. Đồng thời phải có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.

Đáng chú ý, kế hoạch của Chỉnh phủ là kiềm soát nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%. Đến năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng cho rằng phải xác định, lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Từ đó lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn.

Song sành với đó là tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động. Các bộ, ban ngành, địa phương tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới.

Trong đó, điều quan trọng, phát triển kinh tế phải đi đôi với việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Khai thác, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trà My

BẢN DESKTOP