Bệnh nhân Trần Công B. (81 tuổi, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị đau âm ỉ vùng hạ sườn phải nên vào viện kiểm tra. Kết quả siêu âm phát hiện nhu mô gan phải có 2 khối u ác tính phân thùy VII và V, kích thước 25x29mm và 47x48mm. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan phải trên nền tăng huyết áp, viêm gan B và chỉ định đốt u gan bằng sóng cao tần RFA.
Bs.CKII Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cùng các kỹ thuật viên trong khoa thực hiện thủ thuật trong 30 phút. Sau khi gây tê, bác sĩ chọc một vết nhỏ khoảng 2 mm trên da và đưa kim đốt vào chính giữa khối u dưới hướng dẫn của siêu âm. Dòng điện cao tần khi đi qua kim điện cực tạo ra nhiệt lượng để đốt và phá hủy các tế bào trong khối u trong khoảng thời gian nhất định.
Đốt sóng cao tần cho bệnh nhân B |
Cuối thủ thuật, bác sĩ rút kim và đốt cháy phần mô dọc theo lộ trình của kim để đảm bảo tế bào ung thư không lây lan theo đường kim di đốt. Bệnh nhân tỉnh táo, ít đau trong thời gian thực hiện, thủ thuật diễn ra an toàn. Bệnh nhân sau can thiệp ít đau, gần như không mất máu, ra viện chỉ sau 2 ngày.
BSCKII Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để đảm bảo khối u được đốt triệt để, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát thì việc lựa chọn đầu kim đốt phù hợp với kích thước u là rất quan trọng. Chúng tôi sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại để đánh giá chính xác vị trí, kích thước u trước can thiệp, từ đó lựa chọn kim đốt phù hợp và có con đường di chuyển tới u an toàn.
Một thách thức nữa đối với bác sĩ thực hiện đốt u bằng sóng cao tần là cần kiểm soát vị trí kim đốt và nhiệt lượng tỏa ra, sao cho vừa đủ tiêu diệt khối u mà không làm tổn thương các mô lành. Với đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong kỹ thuật điện quang can thiệp, chúng tôi đã tự tin xử trí tất cả các khối u, kể cả ở những vị trí sâu, hiểm hóc, gần cơ quan trọng nhờ sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch xóa nền DSA, kiểm soát chính xác đường di chuyển của kim đốt”.
Thăm khám cho bệnh nhân sau đốt sóng cao tần |
ThS.BS Vũ Xuân Kiên, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: . Ung thư gan là bệnh lý ác tính phổ biến với số ca mắc cũng như tử vong cao đứng đầu tại Việt Nam. Tại khoa Ung bướu, trung bình mỗi năm, chúng tôi tiếp nhận khoảng trên 50 trường hợp ung thư gan.
Phẫu thuật cắt khối u gan là phương pháp đầu tay được chỉ định, làm triệt căn các tế bào ung thư qua phần gan bị cắt bỏ. Tuy nhiên với các khối u nhỏ, đặc biệt là nằm ở vị trí sâu, hiểm hóc hoặc các trường hợp bệnh nhân già yếu, nhiều bệnh nền sẽ khó thực hiện phẫu thuật. Đặc biệt nhiều trường hợp già yếu, nhiều bệnh lý phối hợp, suy gan đi kèm, chỉ định phẫu thuật cắt u hạn chế.
Với phương án đốt u bằng sóng cao tần RFA đã mang lại kết quả điều trị rất khả quan. Các khối u gan nhỏ kích thước dưới 3cm điều trị bằng phương pháp này sẽ hoại tử dần, giúp người bệnh có thể kéo dài tiên lượng sống trên 5 năm, hiệu quả tương đương với phẫu thuật cắt gan mà bệnh nhân không phải chịu cuộc mổ nặng nề, đau đớn.
Không chỉ bệnh nhân B., thời gian qua, bệnh viện đã ứng dụng triển khai kỹ thuật đốt u bằng sóng cao tần RFA cho gần 40 ca bệnh với kết quả điều trị khả quan, biến chứng thấp.
“Đốt u bằng sóng cao tần RFA là kỹ thuật sử dụng kim đốt để xuyên vào giữa khối u, dưới tác động của nhiệt sẽ làm u hoại tử đông và thu nhỏ kích thước theo thời gian, dần dần chỉ còn mô sẹo. Người bệnh điều trị bằng phương pháp này được bảo tồn tối đa chức năng gan, không gây ảnh hưởng đến tế bào mô lành, hạn chế nguy cơ mất máu, nhiễm trùng, suy gan sau can thiệp.
Kỹ thuật này ít xâm lấn, không cần gây mê nên người bệnh hoàn toàn tỉnh táo khi thực hiện, tỷ lệ biến chứng thấp, phục hồi nhanh, ra viện trong thời gian ngắn” - BSCKII Ngô Quang Chức