Sống xanh

Đốt rơm rạ ảnh hưởng đến cả an toàn bay

  • Tác giả : Bảo Châu
(khoahocdoisong.vn) - Việc đốt rơm rạ không chỉ làm ô nhiễm không khí tại nơi đốt mà nguồn thải còn phát tán ra không gian rộng, ảnh hưởng đến nhiều vùng xung quanh.

PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khi đốt rơm rạ, chất ô nhiễm khi phát tán vào không khí thường được khuếch tán, vận chuyển sang khu vực khác dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió, và nhiều yếu tố địa hình, vật cản khác. Những khu vực mặc dù không đốt rơm rạ nhưng vẫn phải hứng chịu ô nhiễm cục bộ khá lớn, đặc biệt ở phía Nam TP Hà Nội, bao gồm thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Điều đáng chú ý là khu vực sân bay Nội Bài cũng là vùng chịu ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi hạ cánh, tiềm ẩn nguy cơ đến an toàn bay. Tính trung bình cho toàn thành phố, tỷ lệ rơm rạ được đốt trên đồng ruộng vào khoảng 20%, còn lại được sử dụng cho các mục đích thay thế như rải trên đồng để che phủ, làm phân hữu cơ, làm nguyên liệu trồng nấm... Nhiều quận huyện gần như không còn tình trạng đốt rơm rạ (dưới 1%), nhưng vẫn còn nhiều nơi như Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Trì, vẫn còn tỷ lệ đốt khá cao từ 30 - 60%.

Hoạt động đốt này đã phát sinh gần 180 tấn bụi PM10 (các hạt bụi có đường kính động học ≤ 10μm, có khả năng đi vào hệ hô hấp trên như mũi, họng, thanh quản) và khoảng 163 tấn bụi PM 2.5 (tức các hạt bụi nhỏ hơn, có khả năng đi sâu hơn vào hệ hô hấp dưới như khí quản, phế quản, phổi). Lượng CO2 phát sinh khoảng 23.100 tấn. Ngoài ra, quá trình đốt rơm rạ trên đồng ruộng còn sản sinh ra nhiều chất độc hại cho sức khỏe và môi trường khác như SO2, NO2, CH4, N2O, carbon đen...

Bảo Châu

BẢN DESKTOP