Dữ liệu y khoa

Đột quỵ não sau phẫu thuật có thể gây tàn phế hoặc tử vong

  • Tác giả : BS Thạch Thị Ngọc Khanh
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù tỷ lệ bị đột quỵ sau phẫu thuật được ghi nhận khá thấp, nhất là sau các phẫu thuật không liên quan đến tim và thần kinh (chỉ chiếm 0,1 - 0,8%), tuy nhiên đây là một biến chứng nặng nề có thể gây tàn phế, thậm chí tử vong.

Tỷ lệ tử vong trong 30 ngày của đột quỵ não sau phẫu thuật đối với những phẫu thuật không phải tim mạch và thần kinh cao hơn 46% so với các bệnh nhân khác và 87% đối với các bệnh nhân có tiền sử đột quỵ trước đó. Đột quỵ não sau phẫu thuật bao gồm cả nhồi máu não và chảy máu não nhưng gặp nhiều hơn ở nhồi máu não. Thông thường có 2 nhóm yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ não sau phẫu thuật đó là:

Yếu tố liên quan đến bệnh nhân: Tuổi cao, có các bệnh lý tim mạch đi kèm như tăng huyết áp, rung nhĩ, bệnh lý van tim. Tiền sử đột quỵ não trước đó, cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh thận (suy thận cấp, lọc máu chu kỳ); đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hẹp động mạch cảnh; nghiện thuốc lá; điều trị thuốc chẹn beta không đặc hiệu.

Yếu tố liên quan đến phẫu thuật: Có thể kể đến một số các phẫu thuật có nguy cơ cao bị đột quỵ não như các phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, các phẫu thuật mạch máu lớn, các phẫu thuật lớn trong ổ bụng, phẫu thuật cắt phổi, phẫu thuật ghép tạng, phẫu thuật tạo hình khớp, phẫu thuật vai tư thế ghế ngồi bãi biển, các phẫu thuật vùng đầu và cổ.

Xác định những tổn thương thần kinh sau phẫu thuật thường khó khăn do thuốc gây mê tồn dư, tác dụng của opioid và các thuốc giảm đau khác. Đánh giá về vận động và sức cơ thường khó khăn do đau sau phẫu thuật. Đối với những bệnh nhân sau phẫu thuật thường được sử dụng dấu hiệu FAAST để sàng lọc đột quỵ não:

Face – Liệt mặt: Cười lệch hoặc mặt bị xệ.

Arm – Tê hoặc yếu tay chân không do phẫu thuật.

Anesthesia – Đánh giá loại trừ tác động của thuốc gây mê tồn dư.

Speech – Nói khó hoặc không hiểu lời.

Time – Xử trí đột quỵ nhanh nhất có thể.

Cũng giống với những bệnh nhân đột quỵ não khác, tất cả các bệnh nhân đột quỵ não cấp sau phẫu thuật cũng được kiểm soát đường thở, huyết áp, đường máu, dịch truyền, nhiệt độ. Đối với những bệnh nhân nhồi máu não cấp nên được điều trị tái tưới máu càng sớm cáng tốt. Tuy nhiên, điều trị tiêu sợi huyết có chống chỉ định tuyệt đối hoặc tương đối cho hầu hết các bệnh nhân sau phẫu thuật. Tái thông mạch bằng dụng cụ cơ học được lựa chọn cho các bệnh nhân nhồi máu não cấp có tắc các nhánh lớn. Điều trị tái tưới máu bằng dụng cụ cơ học đòi hỏi phải được đánh giá về mặt thần kinh, hình ảnh học xác định động mạch bị tắc và vùng não có thể cứu được.

Để giảm nguy cơ đột quỵ sau phẫu thuật cần có chiến lược cụ thể như trì hoãn các phẫu thuật không cấp thiết sau đột quỵ nhồi máu não. Tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, tuy nhiên nên trì hoãn các phẫu thuật không cấp thiết ít nhất 3 tháng thậm chí tới 9 tháng sau đột quỵ não; Tiếp tục điều trị thuốc kháng tiểu cầu và thuốc chống đông. Giảm thiểu các nguy cơ trong quá trình phẫu thuật như lựa chọn kỹ thuật gây mê, đối với những bệnh nhân có phẫu thuật tạo hình khớp thì một số nghiên cứu quan sát cho thấy gây mê thần kinh có liên quan đến giảm nguy cơ đột quỵ sau phẫu thuật.

Điều trị statin: Đối với những bệnh nhân đang điều trị bằng statin nên được tiếp tục điều trị trong quá trình phẫu thuật. Đối với những bệnh nhân chưa dùng statin nhưng có yếu tố nguy cơ cao của bệnh lý tim mạch nên được điều trị statin sớm trước phẫu thuật kể cả đối với những phẫu thuật cấp cứu.

BS Thạch Thị Ngọc Khanh (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BS Thạch Thị Ngọc Khanh

BẢN DESKTOP