Dữ liệu y khoa

Đột quỵ dễ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

  • Tác giả : Bùi Hương
(khoahocdoisong.vn) - Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là bệnh lý dễ xảy ra ở người bệnh đột quỵ. Nếu không được dự phòng và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Theo BSCK II Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là tình trạng cục máu đông hình thành bất thường trong lòng tĩnh mạch. Đối với người bệnh đột quỵ, tỷ suất xuất hiện huyết khối tĩnh mạch là 1 trong những tỷ suất cao nhất trong các trường hợp người bệnh nhập viện. Tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trong 3 tháng đầu sau đột quỵ thường cao nhất, trong đó thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở chi sẽ thường gặp hơn, chiếm 1 - 10%,  trong khi thuyên tắc phổi là 1 - 3%.

BSCK II Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

BSCK II Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên cho biết, các yếu tố nguy cơ chính gây thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người bệnh đột quỵ thường do người bệnh phải nằm lâu (3 - 4 ngày trở lên), người bị liệt chi gây giới hạn vận động. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như tuổi cao, rối loạn nước, điện giải, bệnh lý tăng đông, nhiễm trùng… Ở người bệnh đột quỵ, tình trạng yếu nửa người tạo thuận lợi hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối tĩnh mạch sâu có tỉ lệ mắc sau đột quỵ cấp là 1 - 10%, tỷ lệ không triệu chứng là 15% trong 30 ngày sau đột quỵ.

Khi nghi ngờ người bệnh có thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, tuỳ vị trí nghi ngờ có huyết khối mà bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các cận lâm sàng chuyên biệt để phát hiện. Các cận lâm sàng có thể là siêu âm doppler mạch máu, chụp CT Scan mạch máu phổi, các xét nghiệm đánh giá tình trạng tăng đông...

Tại Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y DượcD TPHCM, tất cả người bệnh đột quỵ nhập viện đều được đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và áp dụng các biện pháp điều trị dự phòng ngay từ ngày đầu nhập viện. Các bác sĩ sẽ dùng thang điểm PADUA (11 mục), ngoài ra còn có thang điểm IMPROVE để cân nhắc sử dụng thuốc kháng đông, tránh tăng nguy cơ xuất huyết, từ đó lựa chọn phương pháp dự phòng thích hợp.

BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên khám cho người bệnh.

BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên khám cho người bệnh.

Theo BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên, các biện pháp điều trị dự phòng theo khuyến cáo chung hiện nay gồm sử dụng dụng cụ ép khí ngắt quãng, sử dụng thuốc kháng đông liều thấp. Bên cạnh đó, có thể dự phòng bằng các phương pháp không dùng thuốc như phòng ngừa mất nước, mất dịch; vận động sớm sau đột quỵ…

Khoảng thời gian lý tưởng cho phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người bệnh đột quỵ thường trong 2 - 4 tuần đầu. Hầu hết các trường hợp điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trong giai đoạn cấp và giai đoạn phục hồi chức năng khi nằm viện, hoặc cho đến khi người bệnh phục hồi vận động và dịch chuyển được.

Các chuyên gia khyến cáo, quá trình điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có sử dụng thuốc kháng đông thường sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu, người bệnh phải thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí phù hợp. Trong trường hợp đã được điều trị huyết khối tĩnh mạch nhưng có hiện tượng thở hụt hơi, người bệnh cần đánh giá ngay nguy cơ thuyên tắc phổi. 

Bùi Hương

BẢN DESKTOP