Y học và đời sống

Đông y trị viêm phế quản thể hen ở trẻ

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) -  Viêm phế quản thể hen và hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ. Bệnh phức tạp và dễ gây biến chứng, thậm chí có thể tử vong.

Trong Đông y, viêm phế quản thể hen và hen phế quản thuộc phạm vi các chứng như háo chứng, suyễn chứng. Nguyên nhân do chính khí hư suy, công năng tạng phủ rối loạn, đặc biệt là phế, tỳ và thận, tà khí thừa cơ xâm nhập mà gây nên bệnh. Y học hiện đại đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc phòng chống bệnh lý này, Đông y cũng có nhiều phương thuốc hay để điều trị căn bệnh này.      Trong giai đoạn phát bệnh

Với thể Hàn chứng: Triệu chứng: Ho và khó thở thành cơn, có khi phải ngồi dậy để thở, có nhiều tiếng rít trong khí quản, đờm trong loãng, sắc mặt nhợt nhạt, tay chân lạnh, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch hoạt khẩn. Phép chữa: Ôn phế tán hàn, giáng khí bình suyễn. Bài thuốc “Tiểu thanh long thang hợp Tam tử dưỡng tân thang gia giảm” gồm: can khương 1,5g, quế chi 3g, ma hoàng 3g, bạch thược 10g, tế tân 1,5g, bán hạ chế 8g, ngũ vị tử 5g, tô tử 8g, bạch giới tử 5g, lai phục tử 10g, cam thảo 5g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Với thể Nhiệt chứng: Triệu chứng ho và khó thở thành cơn, nhiều đờm rãi, có thể có sốt, đờm vàng, tức ngực buồn phiền, khát nước muốn uống, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dính, mạch hoạt sác. Phép chữa: Thanh nhiệt tuyên phế, hóa đàm định suyễn. Bài thuốc “Định suyễn thang gia thạch cao” gồm: các vị ma hoàng 3g, ngân hạnh 10g, hoàng cầm 8g, tang bạch bì 10g, tô tử 8g, bán hạ chế 10g, khoản đông hoa 10g, hạnh nhân 8g, cam thảo 5g, thạch cao 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Trong giai đoạn hồi phục

Triệu chứng: Ho và khó thở nhẹ, khạc đờm loãng, sắc mặt không tươi, mệt mỏi vô lực, cơ thể tiều tụy gầy yếu, ăn kém, bụng đầy, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch nhu vô lực. Phép chữa: Bổ phế kiện tỳ ôn thận. Bài thuốc: Dùng bài Bổ phế kiện tỳ ôn thận thang gồm: đẳng sâm 10g, thục địa 10g, ngũ vị tử 3g, khoản đông hoa 8g, bạch linh 12g, hoài sơn 12g, hồ đào nhục 12g, thỏ ty tử 10g, địa long 6g, chích thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

 Ngoài việc dùng thuốc, với tất cả các bệnh lý đường hô hấp trẻ em đều có thể kết hợp với châm cứu, xoa bóp, tập thở, sử dụng các món ăn -bài thuốc phù hợp với tuổi, thể chất và mức độ bệnh.

ThS Hoàng Khánh Toàn(Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền BVTWQĐ 108)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP