Y học và đời sống

Đông y chữa bệnh chai chân

Trong Đông y, chai chân thuộc phạm vi các chứng bệnh như Nhục chích, Kê nhãn… Sau đây là một số bài thuốc có thể giúp người bệnh sử dụng khi cần thiết:

Đông y chữa bệnh chai chân ảnh 1

Bài 1:  Ô mai 30g sấy khô, tán vụn, đem ngâm với 250ml giấm chua trong 2 tuần rồi lấy dịch thuốc bôi vào tổn thương mỗi ngày 3 lần.

Bài 2: Hồng hoa 3g, địa cốt bì 6g, tán bột trộn với dầu vừng và một chút bột mì thành dạng cao rồi đắp lên tổn thương.

Bài 3: Phèn phi 10g, hoàng đan 10g, phác tiêu 10g, ba thứ tán bột, trộn đều. Trước tiên, dùng mũi dao khoét 1 lỗ ở trung tâm tổn thương, sau đó dùng bột thuốc rắc đầy và cố định bằng băng y tế, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 4:  Tỏi vỏ tím 1 củ, hành tươi 1 củ, giấm chua vừa đủ. Trước tiên, dùng cồn y tế sát trùng rồi lấy dao lam nhẹ nhàng gọt bỏ lớp sừng dày. Tiếp đó, ngâm chân bằng nước muối trong 20 phút (200ml nước chín pha với 5g muối) rồi dùng tỏi và hành giã nát trộn với giấm chua đắp lên tổn thương, cố định bằng băng y tế, mỗi ngày thay thuốc 1 lần, thông thường 5 – 7 ngày là khỏi.

Bài 5:  Ngô công sống (con rết) 1 con rửa sạch, giã nát đem trộn với 1,5g lưu hoàng rồi đắp lên tổn thương, mỗi ngày thay thuốc 1 lần, thường sau 3 – 4 lần là khỏi. Có thể thay lưu hoàng bằng băng phiến 1g.

Bài 6:  Ô mai 30g, muối ăn 3g, giấm lâu năm lượng vừa đủ. Ô mai đem ngâm vào nước muối trong 1 ngày rồi bỏ hạt, giã nát, trộn với giấm thành dạng hồ và đắp lên tổn thương, mỗi ngày thay thuốc 1 lần, thường sau 3 lần là khỏi.

Bài 7: Trần bì 15g, cẩu tích 30g, uy linh tiên 30g, địa phu tử 30g, hồng hoa 10g, sắc lấy nước ngâm chân khi còn nóng, mỗi ngày 2 lần. Mỗi thang có thể dùng 3 – 4 lần.

Bài 8:  Bột huyết kiệt 5g, bột đá vôi lượng vừa đủ, hai thứ đem hòa với 100ml nước muối đặc thành dạng cao rồi đắp lên tổn thương, dùng băng y tế cố định trong 24 giờ. Sau đó, tháo băng, gỡ bỏ cao thuốc, bóc hết chai rồi dùng mật quạ bôi một lớp mỏng trong 24 giờ. Một nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành trên 100 ca đều đạt kết quả tốt.

Bài 9: Trước tiên, rửa sạch tổn thương, sát khuẩn bằng cồn y tế rồi dùng dao lam sạch nhẹ nhàng gọt bỏ lớp sừng dày. Sau đó, lấy lá lô hội tươi thái phiến mỏng đắp lên tổn thương và dùng băng cố định, mỗi ngày thay thuốc 2 lần, làm liên tục cho đến khi khỏi.

Theo SKĐS

BẢN DESKTOP