Chiều cùng ngày, lực lượng cảnh sát kinh tế môi trường Công an huyện Trảng Bom xuống hiện trường khảo sát khu vực cá chết. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng kiểm tra khu vực nạo vét dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây để phục vụ xác minh, làm rõ nguyên nhân.
Theo Thượng úy Lê Minh Tấn, Quản lý Đội Nuôi trồng Thủy sản, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, đơn vị được giao nhiệm vụ nuôi thủy sản trên hồ Sông Mây. Đến 17h30 cùng ngày, Công an huyện Trảng Bom vẫn ở hiện trường để phối hợp làm rõ sự việc. Các cống xả nước về hạ nguồn đã được đóng lại. Lực lượng Đội Nuôi trồng Thủy sản tiếp tục vớt số cá chết trên khu vực lòng hồ.
Cá chết nổi trắng mặt nước hồ Sông Mây. |
Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương vớt, xử lý số cá trên lòng hồ để bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng đó, Phòng Hậu cần tiếp tục xác định tổng số lượng cá chết. Bước đầu kiểm tra, các loại cá chết gồm trắm, rô phi, mè và một số loại cá da trơn.
Hồ Sông Mây có diện tích hơn 300 ha, chứa nước tưới tiêu cho khu vực huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Hơn 30 năm trước, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước của hồ.
Dự án cải tạo đập thủy lợi hồ Sông Mây do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư. |
Từ đầu năm 2024, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai thực hiện dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây. Quá trình thi công, Đội Nuôi trồng Thủy sản đã kiến nghị duy trì khoảng 1 triệu m3 nước để lượng cá chưa kịp khai thác trong hồ sinh sống.
Những ngày qua, tình hình hạn hán kéo dài, chủ đầu tư lại xả nước về hạ nguồn. Việc này khiến mực nước hồ chạm đáy, cá chết hàng loạt, nổi trắng cả khu vực, gây bốc mùi hôi thối. Ước tính 200 tấn cá đã bị chết trên hồ Sông Mây.