Đời sống

Đóng BHXH ngắt quãng có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

  • Tác giả : Lương Thụy Bình
(khoahocdoisong.vn) - Bảo hiểm thất nghiệp được coi là chiếc “phao cứu sinh” giải quyết khó khăn về tài chính cho người lao động khi bị thôi việc hoặc mất việc làm. Vậy trường hợp đóng bảo hiểm ngắt quãng có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Khi nào được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định và không xác định thời hạn. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng…

Người lao động đóng bảo hiểm ngắt quãng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi nghỉ việc.

Người lao động đóng bảo hiểm ngắt quãng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi nghỉ việc.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 50 Luật Việc làm, người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trong đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Để nhận được khoản hỗ trợ này, người lao động cần thường xuyên cập nhật điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình.

Đóng bảo hiểm ngắt quãng có được trợ cấp thất nghiệp?

Tại khoản 1, Điều 45 Luật Việc làm đã quy định: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định này, việc đóng bảo hiểm thất nghiệp có thể liên tục hoặc không liên tục đều được cộng từ lúc bắt đầu đóng đến khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà chưa được hưởng. Đồng thời, khoản 2 Điều này cũng ghi nhận, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Do đó, người lao động đóng bảo hiểm ngắt quãng cũng được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi nghỉ việc và đáp ứng các điều kiện còn lại tại Điều 49 Luật Việc làm.

Mặt khác, theo Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu); bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc, giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động (đối với công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng), quyết định thôi việc; quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; sổ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần thực hiện nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm. Theo đó, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp (không phụ thuộc vào nơi đang ở hay nơi đang làm việc).

Tiếp theo, người lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn. Sau đó, trong vòng 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên từ tổ chức bảo hiểm xã hội. Cuối cùng, hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định…

Lương Thụy Bình

BẢN DESKTOP