Khoa học & Công nghệ

Đón mưa sao băng lớn nhất năm, hơn 100 vệt/giờ đêm nay

  • Tác giả : Minh Trí
Một năm, chỉ có hai trận mưa sao băng tạo ra hơn 100 vệt/giờ, bao gồm trận mưa sao băng đêm nay.

Mưa sao băng Quadrantids được đặt theo tên của chòm sao Quadrans Muralis. Nó được tạo nên từ những hạt bụi sót lại của sao chổi 2003 EH1 khi đi qua quỹ đạo Trái đất.

mua-sao-bang-2(1).jpg
Một trận mưa sao băng. Ảnh: AFP.

Theo trang tin về vũ trụ và thiên văn học Space.com, trong số 10 trận mưa sao băng lớn nhất hằng năm, chỉ có hai trận tạo ra hơn 100 sao băng/giờ, bao gồm Quadrantids (vào tháng 1) và Geminids (vào tháng 12).

Điều tuyệt vời là, bắt đầu từ đêm nay, 3/1 kéo dài đến 4h sáng mai 4/1, trận mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đại trên bầu trời TPHCM. Còn tại Hà Nội, mưa sao băng sẽ đạt cực đại vào rạng sáng 4/1.  Đây được đánh giá là trận mưa sao băng lớn nhất năm 2022.

Tuy nhiên, để ngắm được mưa sao băng, tình hình thời tiết ở khu vực quan sát phải thuận lợi. Năm nay, thời điểm diễn ra mưa sao băng Quadrantids trùng với đầu tháng âm lịch, Mặt Trăng sẽ không gây cản trở việc quan sát.

Video trận mưa sao băng năm 2017.

Tuy nhiên, do đang là mùa đông, nên bầu trời nhiều khu vực có thể sẽ nhiều mây, gây trở ngại cho việc ngắm sao. Một chuyên gia khí tượng cho biết, Tây Nguyên và Nam Bộ thuận lợi hơn so với miền Bắc và miền Trung, trời nhiều mây.

Để có thể quan sát được mưa sao băng đêm nay, hãy chọn những nơi bầu trời tối, không gian thoáng đãng và ít bị ảnh hưởng bởi các ánh sáng nhân tạo.

Cần giữ sự tập trung khi quan sát, đặc biệt trong thời gian dài, ít nhất khoảng 1 tiếng bởi mưa sao băng thường xuất hiện theo từng đợt. Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần mất khoảng 20 phút để mắt bạn thích nghi với điều kiện hoạt động trong bóng tối khi chiêm ngưỡng mưa sao băng.

Về thời điểm quan sát mưa sao băng, cực điểm mưa sao băng Quadrantids được dự báo diễn ra lúc 20h40 ngày 3/1 (giờ UT) tức là khoảng 3h40 sáng 4/1 giờ Việt Nam, với tần suất lúc cực đại khoảng 120 vệt/giờ. 

Minh Trí

BẢN DESKTOP