Đời sống

Đôi vợ chồng sống khỏe nhờ lá rừng

Cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh của đôi vợ chồng già Lăng Văn Phách, 90 tuổi và Đào Thị Đào, 91 tuổi ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là niềm mong ước của nhiều người. Bằng những bài thuốc dân gian cha truyền con nối, ông bà đã cùng nhau sống khỏe mạnh từ những loại cây rừng nhỏ bé.

Hai ông bà đang kể chuyện về những loại nước nấu từ cây rừng

Tuổi già hạnh phúc

Ông Lăng Văn Phách, 90 tuổi và vợ là bà Đào Thị Đào, 91 tuổi hiện đang sống trong một căn nhà nhỏ tại khu II Quan Ngoại, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuộc sống bình yên và ấm áp của ông bà là điều khiến cho nhiều người dân quanh vùng rất ngưỡng mộ.

Cả hai ông bà từng tham gia hoạt động cách mạng cũng như các hoạt động tại chính quyền địa phương. Ông Phách từng tham gia tự vệ thời kì tiền khởi nghĩa, chống chính quyền trước Cách mạng ở Vĩnh Yên, sau đó tham gia kháng Pháp thời kì 1953 – 1954. Sau đó, ông Phách tham gia các công việc ở xã và hiện nay, ông đã 65 năm tuổi Đảng. Còn bà Đào vợ ông, thời chống Pháp là dân quân tự vệ, sau đó bà tham gia Hội đồng nhân dân xã và hoạt động ở hội phụ nữ. Tuy việc công bận rộn nhưng ông bà vẫn cố gắng chăm lo cho gia đình, con cái, đặc biệt là nghị lực vượt lên sự khó khăn của ông bà suốt những năm 80 – 90 của thế kỉ trước, khi ông bà vẫn phải mua thực phẩm bằng tem phiếu.

Không sống cùng các con cháu, hai ông bà tự chăm sóc lẫn nhau hằng ngày. Do bà Đào hơi còng lưng nên ông Phách làm hầu hết các việc nhà để cho bà được nghỉ ngơi thoải mái. Hằng ngày ông nấu cơm ba bữa, giặt giũ quần áo, cứ hai ngày một lần ông đạp xe đi chợ mua thức ăn, bà thường là người nhặt rau, quét nhà, gấp quần áo… Ông Phách vui vẻ kể rằng: “Chợ phiên hai ngày mới có một lần, tôi đạp xe đi chợ cả đi cả về chừng 2km. Nhân đó tôi cũng tranh thủ luyện tập, vận động cho giãn xương giãn cốt”.

“Chúng tôi thường tự đi lấy cây thuốc trên rừng hoặc tự trồng ở nhà để nấu nước uống nhằm đảm bảo sức khỏe, tránh được các loại hóa chất nếu mua cây thuốc từ chợ trời… Hiện nay, nhiều người trong làng cũng dùng những loại lá thuốc này để uống hàng ngày”, ông Lăng Văn Phách cho biết.

Hai ông bà chăm sóc cho nhau mỗi ngày, ít khi phải phiền đến con cháu vì sức khỏe còn khá tốt. Nhiều khi trở trời, bà thường đau nhức gối, ông luôn là người xoa bóp và “đánh gió” giúp bà. Bà Đào tâm sự: “Có ông chăm sóc, tôi rất vui lòng. Ông luôn cẩn thận và chu đáo, đỡ đần tôi mọi việc trong nhà”.

Quanh nhà của ông bà có rất nhiều cây ăn quả như cây vải, ổi, xoài, … các cây đều to. Khi pv KH&ĐS đến nhà ông bà, cây xoài đang trĩu trịt quả. Ông chỉ cây và bảo tất cả đều nhờ công vun trồng của bà. Ngồi trò chuyện cùng ông bà, chúng tôi biết rằng bà Đào rất yêu thích việc chăm sóc cây cối. Những năm trước, khi chưa bị còng, không ngày nào bà không ra vườn để nhổ cỏ, xới đất, tưới nước, bắt sâu cho những cây con… Bà luôn bận rộn với khu vườn của mình. “Năm nay còng rồi, đi lại chậm chạp hơn nên tôi cố gắng bón phân cho cây mỗi khi cần thiết thôi. Trộm vía cây nào cũng ra quả đều đặn, các cháu đến chơi còn có quà cho chúng mang về”, bà Đào chia sẻ.

Nhắc đến ôn Phách và bà Đào, dân làng xung quanh đều ca ngợi ông bà với sự chăm chỉ cần cù hiếm có. Anh Nguyễn Văn Hậu, 32 tuổi, hàng xóm của ông Phách cho hay: “Tuy tuổi đã cao nhưng sáng nào ông bà cũng quét nhà, quét sân và cổng sạch tinh tươm. Chúng tôi còn trẻ mà không theo kịp sự sạch sẽ của ông bà”.

Việc chăm sóc lẫn nhau và thú vui vườn tược đã tạo nên những niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống của hai vợ chồng gia. Thấy ông bà hạnh phúc, con cháu gia đình ông Phách rất vui mừng. Anh Lăng Văn Dũng, cháu trai ruột của ông Phách chia sẻ rằng: “Nhìn ông bà hạnh phúc, thế hệ cháu chắt chúng tôi cùng phải phấn đấu được như thế để ông bà thêm vui”.

Ông đang vui vẻ nấu bữa trưa

Bảo vệ sức khỏe từ những loại cây rừng

Ở các làng quê, có rất nhiều người già cao tuổi nhưng gia đình nào được cả hai ông bà sống lâu là điều vô cùng đáng quý. Ông Phách và bà Đào là một trong số hiếm hoi những cặp vợ chồng cùng nhau sống đến 90 tuổi. Chia sẻ bí quyết sống khỏe của tuổi già, ông bà chỉ cười vì cho rằng cả hai người cùng may mắn nên vẫn có thể ở bên nhau đến giờ phút này.

Tuy nhiên, ông bà cũng chia sẻ về thói quen uống nước lá cây mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe thêm tốt. “Ở đây gần rừng núi, mọi người hay có thói quen lên rừng hái củi từ ngày xưa, nhân tiện lấy các loại cây, rễ, lá về đun nước để uống. Cha truyền con nối, gia đình tôi có thói quen này từ lâu rồi”, bà Đào chia sẻ. Ông bà chia sẻ rằng, hồi còn trẻ, ông bà thường lên rừng và tìm một số loại cây về để phơi và đun nước uống ví dụ như: Cây đắng cảy, cây thân leo mỏ quạ, cây mắt cua, cây xấu hổ…Trong đó, cây đắng cảy và mỏ quạ có tác dụng làm mát gan, cây mắt cua giúp tiêu hóa tốt còn cây xấu hổ giúp chữa đau nhức xương khớp. Các loại cây này rất dễ kiếm ở một vùng bạt ngàn đồi núi nên nó đã trở thành thức uống quen thuộc của nhiều gia đình.

Với những loại cây ấy, hai ông bà lấy về và phơi khô, cất vào các lọ sành lọ sứ để đảm bảo chất lượng và uống dần. Cứ hai ba ngày ông bà lại đổi sang một loại khác nhau để không bị “ngán”. Khi được bà cho uống thử nước từ cây đắng cảy, pv chúng tôi rất thích thú vì loại nước này có màu đỏ, mùi lại rất thơm. Ông bà nói rằng, các loại lá cây này rất dễ uống, không hề đắng, có loại còn ngọt. Mỗi loại thơm một mùi cây lá khác nhau, uống vào rất dễ chịu.

Bây giờ tuổi đã cao, ông bà không còn lên rừng hái lá cây về uống nước nữa. Cây xấu hổ thì có sẵn trong vườn, bà có thể chặt về phơi bất cứ lúc nào. Còn những loại cây khác bà đã thử gieo trồng, trong đó bà đã gieo được cây mỏ quạ để có thức uống. Nhiều người trong làng còn đến xin bà giống cây để về trồng vì không thể lên rừng tìm được.

Nhờ uống những loại nước lá cây như vậy trong nhiều năm nay, ông bà tránh được nhiều bệnh tật. Ông vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, dáng đi chắc khỏe, còn bà tuy hơi còng nhưng có làn da rất đẹp, thần thái vui tươi. Chắc hẳn, việc uống những lá cây rừng như vậy đã mang đến những ích lợi không hề nhỏ với sức khỏe của ông bà.

“Việc người dân tự dùng những loại rau quả, thảo dược quanh nhà cũng có tác dụng nhất định trong việc kéo dài tuổi thọ. Chẳng hạn một một loại rau như rau sắng, rau ngót… có tác dụng bổ sung vi chất dinh dưỡng, giúp chuyển hóa thức ăn tốt hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách ăn uống, sinh hoạt này đã được kiểm chứng và sử dụng qua nhiều thế hệ, cho nên người dân nên duy trì chế độ này thường xuyên nhằm tăng chất lượng cuộc sống”, Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Viện Sốt rét Ký sinh trùng, Bộ Y tế cho biết.

Lăng Dương

BẢN DESKTOP