Dọc đường

Đôi tay diệu kỳ

Người đàn ông mang đôi tay diệu kỳ. Điều khiến ông tự hào không phải là chuyện đủ sức làm trụ cột gia đình mà là giúp được nhiều người khuyết tật, vốn mang nặng nỗi mặc cảm, xóa tan tất thảy để vươn lên bằng giá trị đích thực của mình.

Đã bao lần tôi có ý định tìm gặp ông Trần Bảo – người nổi danh hơn 10 năm nay với các đường cọ trên những chiếc áo dài trắng muốt của bao thế hệ thiếu nữ xứ Tây Đô – nhưng không thể. Lần này có vẻ cũng chẳng khá hơn. “Anh ấy không muốn lên báo suốt mấy năm qua rồi. Chẳng để làm gì cả…” – vợ ông vừa nói vừa lạnh lùng nhìn tôi trong một sáng mưa rả rích.

Ông Trần Hùng Bảo miệt mài vẽ hoa trên áo dài thiếu nữ.

Ông Trần Hùng Bảo miệt mài vẽ hoa trên áo dài thiếu nữ.

Vươn lên từ tận cùng thất vọng

Mặc kệ, tôi vẫn kiên nhẫn gõ cửa. Nhà ông Bảo nép khuất trong một con hẻm trên đường Đề Thám, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Cửa hé mở, tôi thấy một khuôn mặt gầy rắn rỏi, toát lên những nét tinh anh. Người đàn ông 56 tuổi chỉ ghé mắt qua khe cửa nói vài câu xã giao rồi… chào tiễn khách.

Tuy nhiên, thoáng thấy tôi đi lại một cách khá nhọc nhằn vì chấn thương ở chân, một sự đồng cảm dường như hiện lên trên khóe mắt hiền lành của ông Bảo. Giọng ông mềm hơn chứ không còn vẻ khó chịu ban đầu. Không cần hỏi thêm gì nữa, ông đồng ý vừa trò chuyện vừa lẹ làng vẽ hoa trên xấp áo dài mới nhận mà vài hôm nữa sẽ giao cho khách.

Thật ra, hơn 10 năm trước, tôi từng gặp ông Bảo. Lúc ấy, nhà thơ – nhà báo Phù Sa Lộc rủ tôi đến gặp ông để viết bài cho một tờ báo địa phương. Vì là kẻ ngoài cuộc nên khi đó, tôi mơ hồ về cuộc gặp gỡ giữa họ nhưng vẫn kịp ấn tượng với hình ảnh đôi mắt tưởng như sắc lạnh nhưng hiền lành, dễ mến của ông…

Bẵng đi hơn 10 năm, giờ gặp lại, tôi thấy ông Bảo vẫn thế, vẫn cặp mắt sắc lạnh nhưng hiền hòa. Ông bảo cô con gái út Bảo Vân – 20 tuổi mà nhỏ thó như trẻ 5 tuổi do di chứng chất độc da cam – đi lấy nước mời khách. Bảo Vân học đến lớp 5 rồi nghỉ luôn đến giờ. Con đường học vấn của cô cũng dang dở phần nào giống người cha…

Năm 12 tuổi, Bảo bị điện giật phải cắt bỏ cả 2 cánh tay và gần nửa chân phải. Vượt qua bao khó khăn, mặc cảm, ông Bảo tốt nghiệp Trường THCS Châu Văn Liêm rồi Trường chuyên THPT Lý Tự Trọng. Hồ hởi nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Cần Thơ nhưng cậu học sinh này như bị giội gáo nước lạnh vì bị từ chối do “không đủ sức khỏe”, “không thuộc dạng ưu tiên”.

Tới giờ nghĩ lại, ông Bảo vẫn còn bức xúc về cách hành xử ấy. Nhưng càng giận, ông càng khát khao vẽ thật giỏi, phải giỏi hơn lúc được bạn bè ca ngợi là người vẽ có thần nhất lớp. Và ông vẽ để kiếm sống, để nuôi cả gia đình.
Vui chuyện cũ, ông Bảo cho biết mình vốn có năng khiếu vẽ từ nhỏ.

Cậu bé Bảo từng làm báo tường hồi lớp 9 được giải nhất cấp trường dù vụ tai nạn điện khiến hai tay không còn, nhiều lúc đi không nổi.

Khi rơi xuống tận đáy sâu thất vọng vì không thể thi vào đại học, ông Bảo nghĩ đến khả năng trời cho đó và quyết định ăn mặc chỉnh tề, đeo chân tay giả và đi học một tháng cơ bản với cô giáo Mỹ Hương – người dạy vẽ có tiếng trên đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều – để chuẩn bị một nghề mưu sinh khi biết rõ hầu như mình sẽ phải ngồi một chỗ.

Toát mồ hôi tạo “thế”

Ông Bảo có vẻ vui hơn khi kể chuyện làm nghề. Trung bình mỗi ngày, ông đón 5-8 khách hàng đến đặt vẽ hoa, thêu áo. Hầu như ai cũng muốn ông làm sao cho thật đẹp, thật cầu kỳ chứ không hề chú ý tới chuyện tiền công cao hay thấp.

Dịp 8.3 hay Tết Nguyên đán, ông Bảo thường… trốn biệt ngoài quán cà phê xa nhà vì sợ trực tiếp từ chối khách hàng. Khách ngày càng trẻ nên ông phải cố gắng tìm tòi mẫu mã mới lạ trên mạng internet, xử lý hình ảnh rồi giới thiệu với họ. Không chỉ phái đẹp Cần Thơ, gần đây, một số thiếu nữ từ các nơi ở ĐBSCL cũng tìm đến tiệm của ông để nhờ làm đẹp cho tà áo dài.

Trên bàn làm việc của ông Bảo nhiều năm nay luôn đặt một chiếc máy tính cấu hình mạnh. Nó không chỉ giúp ông xử lý ảnh để làm mẫu mà còn là nơi để ông tìm tòi, khám phá thêm kỹ thuật vẽ trên nhiều loại vải, trên các chất liệu.
Khi tôi tò mò hỏi về thu nhập, ông Bảo cười trừ, chỉ cho biết mình là lao động chính trong gia đình.

Xưởng vẽ của ông là phòng khách không quá lớn cũng không quá nhỏ trong căn nhà xây khá tươm tất. Nhà có bốn miệng ăn, từng là bài toán đầu tiên hiện lên mỗi khi ông ngồi bó gối vẽ. Vài năm nay, gia đình đỡ hơn khi cô con gái lớn Bảo Khoa đã tốt nghiệp đại học, hiện làm việc ở Bạc Liêu.

Ông Bảo từng cắn răng vẽ nhiều hôm gần như thâu đêm, không chỉ để kiếm tiền cho Bảo Khoa ăn học mà còn tạo nền tảng, nhất là về tinh thần – rằng ông vẫn làm việc, vẫn làm ra đủ tiền lo cho gia đình nhằm yên lòng cô con gái bản tính hay lo toan này. Đó cũng là cách đáp lại sự vô cảm trước đây mà người ta đối xử với một người tật nguyền như ông.

Tôi thích thú nhìn tay phải của ông Bảo làm việc như một chú rô-bốt nhỏ. Hai thanh sắt thay thế hai ngón tay như gọng kìm để vẽ, trong khi chiếc chân còn nguyên thì giữ áo dài thật chắc.

Ông Bảo chủ yếu vẽ hoa trên áo dài, áo kiểu và sẵn sàng vẽ theo yêu cầu. “Có bí quyết gì đâu, tôi chỉ biết mình khó hơn người thường nên phải cố sức rèn “thế” để vẽ mới được như vầy. Đã nhận làm cho khách, nhận tiền công của người ta thì phải dốc lòng vẽ cho đạt, kể cả chi tiết chi li nhất. Tôi phải toát mồ hôi phối hợp thật đều mọi bộ phận cơ thể mình mới có thể vẽ đẹp hơn người ta” – ông tiết lộ.

Xấp áo dài được ông Bảo vẽ rất nhanh với những đường nét thật mềm mại. Ông chỉ vẽ bằng bàn tay phải qua 2 ngón giả bằng sắt một cách lẹ làng, linh hoạt.

“Tôi ít khi đi xa dài ngày bởi lúc về thì đồ chất đống, làm không kịp giao cho người ta. Xưa nay tôi rất sợ bị cuốn vào những đôi mắt thất vọng, nhất là ánh mắt phụ nữ” – ông Bảo tiết lộ đầy văn vẻ. Tôi không ngạc nhiên vì biết ông từng là “cây văn” ở trường phổ thông.

Đào tạo truyền nhân

Ông Bảo từng dạy nghề cho 40 học trò, trong đó 6 người vốn câm điếc. Có người quá yếu, chỉ đủ sức cầm đồ vẽ bằng hai đầu ngón tay. Người học trò tạo ấn tượng nhất với ông là chàng trai câm điếc bẩm sinh Lâm Vĩnh Tài.

Năm nay, Tài 22 tuổi, từng có 1 năm học nghề và 4 năm làm cùng “sư phụ”. Dù rất khó giao tiếp nhưng anh vẫn ngày đêm làm việc rất tốt bên người thầy của mình.

Tôi không khỏi tò mò về cách dạy chàng học trò đặc biệt này, ông Bảo cười hồn hậu: “Tôi dùng ký hiệu, cũng phải mất mấy tháng Tài mới vẽ được. Giờ thì Tài “ngon” rồi, chỉ nhìn ánh mắt tôi đưa là cậu ta hiểu ra chuyện, làm được liền. Hy vọng cậu ấy sẽ là đệ tử chân truyền của tôi”.

Người thợ vẽ tài hoa tiết lộ ông muốn gửi một thông điệp với cuộc sống qua chàng học trò tật nguyền Lâm Vĩnh Tài.

“Làm gì có ai vô nghĩa trên đời này! Vấn đề là phải đủ nhân ái, đủ bao dung để nhận ra được khả năng đặc biệt còn ngủ quên trong mỗi người. Điều khiến tôi tự hào nhất không phải là chuyện mình đủ sức làm trụ cột gia đình mà là giúp được những người khuyết tật – vốn mang nặng nỗi mặc cảm – xóa tan tất thảy để vươn lên, có khi hơn cả người bình thường, bằng giá trị đích thực của bản thân” – ông lý lẽ.

Điều gì khiến một người dù cả hai cánh tay cụt đến tận bả vai và một chân cụt đến đầu gối lại gắn với nghiệp vẽ vốn là lãnh địa của những họa sĩ có đôi tay lành lặn?

Ông Bảo bày tỏ: “Tôi rất hứng thú khi phóng nét cọ trên những chiếc áo dài trắng, nó toát lên sự tinh khiết đến vô ngần của các thiếu nữ đất Cầm Thi Giang mà nhan sắc nức tiếng đã đi vào cả văn thơ. Tôi thích vẽ những bông hoa chớm nở, những nụ hồng tinh khôi trên ngực áo thiếu nữ. Màu trắng muốt của những tà áo dài lả lướt có lẽ đã xâm chiếm hồn tôi từ lâu…”.

Khát vọng thành công

Với ông Trần Bảo, bao thăng trầm của đời người đã không thể nào dìm chết được khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng thành công với niềm đam mê cháy bỏng bằng tài năng trời phú qua lửa tự trui rèn.

Trong lần đầu tình cờ gặp nhau, nhận ra khát vọng đó, cô gái Phạm Thị Yến đã quyết định rất nhanh gắn cuộc đời mình với người thanh niên không khuyết tật tâm hồn này. Và cô đã đúng.

Đến nay, sau 26 năm làm nghề, ông Bảo đã mua được nhà mặt tiền ở tuyến đường vào loại “xịn” của đất Tây Đô, là lao động chủ lực của một mái ấm gia đình trong ngần ấy năm. Bà Yến giờ chủ yếu lo việc nội trợ, thỉnh thoảng cũng thêu tranh trên áo theo mẫu mà chồng vẽ sẵn.

Ngồi ngắm những tà áo dài liên tục nở hoa, tôi dường như bất lực với ngôn từ của mình để diễn tả sự kỳ diệu của đôi tay cụt của người thợ tài danh…

Trần Đình Phượng (theo Lao động)

BẢN DESKTOP