Đời sống

Đời người như cuốn sổ kế toán

Khi tôi tới thăm, bà Chu Thị Hoa (85 tuổi, ở 115 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) vừa từ viện trở về sau một đợt điều trị bệnh zona. Cứ lo bà mệt không nói chuyện được, nhưng càng trò chuyện bà càng vui, nhất là khi nói về Phật pháp.

Không ngại khó ngại khổ

Là con gái Hà Nội gốc, khéo tay, giỏi nữ công, bà Hoa đã từng thêu mỹ nghệ xuất khẩu. Có những lúc phải thức đến 2h sáng để thêu cho kịp trả hàng. Sau đó bà đi học rồi về làm hiệu trưởng trường mẫu giáo Ngọc Hà. Được một thời gian, bà chuyển về công tác tại sở Lương thực Hà Nội, được giao phụ trách trại trẻ của sở sơ tán về Bắc Ninh.

Chồng đang học sư phạm, một mình bà đưa 5 con về Bắc Ninh, phụ trách một trại trẻ hơn 200 cháu từ mẫu giáo đến cấp 3, cùng với hai cô dạy mẫu giáo và bốn người tiếp phẩm trông nom bọn trẻ cả ngày lẫn đêm vì chúng phải sống xa gia đình. Vất vả vô cùng, có những lúc 6 mẹ con phải trải nilong, căng bạt để ở. Nhiều lần phải đạp xe mấy chục cây số để chở gạo sang cho các cháu.

Kể cả khi về Hà Nội, công tác tại cửa hàng lương thực, rồi làm cửa hàng trưởng, bà vẫn chịu khó chịu khổ như vậy. Nhiều khi còn phải bốc vác hàng vào kho. Bà bảo, lúc ấy mọi người đều khổ, nên chẳng thấy ngại khó ngại khổ bao giờ, mà cũng chẳng có thời gian đâu để nghĩ ngợi vì phải làm để nuôi 5 đứa con.

Đến nay, các con các cháu đều đã trưởng thành, bà cũng chẳng chịu ngồi yên bao giờ. Nghỉ hưu là bà tham gia Hội đồng nhân dân, hội người cao tuổi, hội phụ nữ của phường, rồi làm tổ trưởng tổ dân phố.

Suốt bao nhiêu năm làm công tác hòa giải, bà đã giúp cho nhiều gia đình trong khu phố tránh được tình cảnh tan đàn sẻ nghé. Hòa giải được cho một gia đình nào đó là bà thấy vui lắm. Làm công tác hòa giải khó khăn nhất là phải được mọi người tin tưởng, nhìn vào lối sống của gia đình mình, mọi người có hòa thuận, yêu thương nhau thì người ta mới tin tưởng tâm sự, chia sẻ với mình. Và nhà mình có yên ổn thì mới giải thích, khuyên nhủ họ được.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/ba-chu-thi-hoa-300x265.jpg

Bà Chu Thị Hoa.

Hiểu ra thì trong lòng thanh thản

Một trong những niềm vui của bà Hoa là được theo học Phật pháp tại Đạo tràng Pháp hoa. Bà bảo, từ khi ông mất cách đây mười mấy năm, bà hay lên chùa. Nghe các thầy giảng mới thấy, có nhiều điều từ trước đến nay cứ tưởng mình đã biết rồi, hóa ra vẫn chưa biết gì.

Ví dụ như về luật nhân quả, về sự siêu thoát, về việc được làm người đã là một điều hạnh phúc, may mắn vô cùng… Hiểu rồi thì như được giải thoát hết mọi vướng mắc, thấy trong lòng thanh thản, nhẹ nhõm, không lo lắng, sợ hãi.

Trước đây, khi còn khoẻ, bà đi rất nhiều chùa, đọc kinh, dự các lễ cầu siêu cho các vong linh đã bỏ mạng trong chiến tranh. Trong Phật giáo không phân biệt người bên này hay bên kia, là người Việt Nam hay người nước nào, mà bất kể là ai khi đã chết, đều cần được siêu thoát.

Đã là Phật tử thì mình lúc nào cũng phải tâm niệm sống có tâm có đức, nghĩ và làm những điều tốt lành, tránh những điều ác. Không chỉ bản thân, mà còn phải giáo dục được con cháu trong nhà từ lời ăn tiếng nói, phải sống hiếu thảo, nhân hậu và trung thực.

Đời người như một cuốn sổ kế toán vậy. Hôm qua ta làm được một việc tốt thì công đức của ta được ghi nhận, nhưng hôm nay thấy người cần cứu giúp mà ta lại bỏ qua, thì công đức của ta sẽ bị trừ đi. Cứ thế suốt đời, mọi việc tốt hay xấu ta đã làm đều được ghi lại, được tính sổ hết, chẳng có gì bị quên đi cả. Thế nên con người ta suốt đời cứ phải tu nhân tích đức là vì vậy.

Chia tay bà, tôi cứ nghĩ, giá như mỗi ngày, mỗi chúng ta đều được răn dạy những điều như vậy, thì có lẽ cuộc đời này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP