Đời sống

Đói nghèo hun đúc ý chí

Bà Trương Thị Nga năm nay 80 tuổi, sống tại Thanh Liêm, Hà Nam. Bà Nga là cây văn nghệ của xã trong các dịp giao lưu, tuyển quân, thậm chí cả những dịp Trung thu, Noel của các cháu thiếu nhi.

Bà Nga (đứng trước) – người phụ nữ luôn lạc quan.

Trong đói nghèo dạy con chí vươn lên

Nhìn bà Nga đệm đàn organ, luyện thanh cho các cháu thiếu nhi, ít ai biết 80% con người bà là nông dân, 20% còn lại có chút máu buôn bán. Từ nhỏ đến lớn bà sống ở quê nhà, vùng đất “chiêm khê mùa thối”, quanh năm bà bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Bà Nga làm nông nghiệp, thu nhập eo hẹp nhưng nuôi tới 6 con nhỏ trong đó có 2 con trai, 4 con gái. Chồng bà Nga là sĩ quan quân đội, ông đi chiến đấu khắp các chiến trường, hòa bình ông mới về sum vầy với mẹ con bà, cùng bà và các con cuốc đất, trồng rau, chăm lợn, gà để có thêm thu nhập. “Nuôi 6 con ăn học là cả vấn đề.

Vào lúc giáp hạt nhà tôi cũng như các nhà trong thôn đều đói, phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm. Những lúc vất vả tôi thường bảo các cháu, cố gắng học giỏi để đừng bao giờ phải ăn khoai, sắn thay cơm nữa. Nhà nghèo nhưng có đồng lương chắt chiu từ chồng, tôi lo cho cả 6 cháu học hết cấp III.

Hồi đó gia đình tôi là hiện tượng hiếm của xã. Các cháu học giỏi nhưng tôi bảo, bố mẹ chỉ lo được bấy nhiêu, nếu vẫn còn muốn học tiếp thì sau này đi làm, có thu nhập, các con học tiếp cũng chưa muộn”, bà tâm sự.

Thấm nỗi vất vả từ thuở nhỏ, các con bà Nga như được hun đúc ý chí. Cả hai con trai của bà tới nay đều có công ty riêng. Anh con trai lớn lập doanh nghiệp xây dựng cầu đường, anh con trai tiếp theo mở đại lý bán ô tô ở Hà Nội. Bốn con gái của bà thì ba chị lên Hà Nội buôn bán. Các chị đều có nhà cửa đàng hoàng, con cái học giỏi, ngoan ngoãn. Riêng một chị thì ở quê làm ruộng để lỡ ông bà trái gió trở trời còn có người lo.

Năng động, khơi gợi đam mê làm giàu

Là người mẹ của 6 người con trong khi chồng biền biệt công tác, đối với bà Nga không hề đơn giản. Lo cái ăn, cái mặc, việc học hành cho các con chưa kể chuyện đứa nhức đầu, đứa sổ mũi nhưng chưa lúc nào bà cảm thấy kiệt sức.

Những năm khó khăn nhất cũng là những năm bà nhanh tay, nhanh mắt chớp vội thời cơ. Khi hợp tác xã hoặc các gia đình cần máy tuốt lúa, cầm số lương do chồng gửi về, bà đi Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên tìm nguồn hàng về bán. Buôn bán sắt thép, máy móc khiến cuộc sống dễ thở hơn.

Bà nói: “Có tiền tôi cải tạo nhà cửa, các cháu có bữa cơm no hơn, ngon hơn, không bị cái đói làm đầu óc luẩn quẩn nữa. Thấy mẹ làm lụng, đứa lớn đòi xin theo nhưng tôi bảo, học có thì, tuổi học cứ học, nếu còn đam mê làm giàu, các hãy học thật giỏi, coi đó như một điều kiện cho đam mê phát triển”.

Lần lượt các con học hết phổ thông, bà Nga hay gọi đùa là “xuất chuồng”, bà gợi ý các con nên “học thêm” một năm ngoài xã hội rồi hãy quyết định học lên cao hay đi làm.

Gọi là “học thêm” nhưng thực chất là bươn chải, kiếm tiền. Không nề hà với việc làm thợ, con lớn kiếm đồng tiền đầu tiên khó nhọc nhưng con đường đã được khai phá, càng ngày càng thênh thang. Các em sau đua theo, rời quê lên phố kiếm tiền. Đến giờ, ai nhìn vào gia đình bà Nga đều thấy khâm phục mẹ con bà.

Bắt đầu học đàn ở tuổi 56

Vì các con sống chủ yếu ở Hà Nội nên bà Nga hay lên trông nhà, trông hàng cho con. Được hỏi, bà có phải trông cháu không, bà Nga cười chia sẻ: “Nhà chúng nó có người giúp việc nên cháu chắt không phải trông. Trong lúc lên Hà Nội trông nhà cho con, thấy rảnh tôi theo học lớp organ, lúc đó tôi 56 tuổi.

Mấy năm trông nhà cũng là lúc tôi hoàn thành khóa học cơ bản, sau này tôi tự học nên đã luyện đàn cho các cháu. Xem tài liệu, băng đĩa, tôi còn học xướng âm để luyện thanh cho cháu. Trở về quê, có kiến thức nhạc lý, tôi tham gia câu lạc bộ văn nghệ đội 4 Khê Lôi chuyên phục vụ văn nghệ của xã”.

Trong các buổi tiễn tân binh lên đường, hội nghị hay giao lưu, bà Nga thường được xã mời đến biểu diễn. Chất giọng ấm, âm vực rộng, tiếng hát của bà cất lên sâu lắng làm nhiều người xúc động. Mỗi lần về quê chơi, được bà cho đến hội trường xã xem biểu diễn, các con, các cháu bà đều lắc đầu thua mẹ, thua bà cái khoản có thể học ở bất kỳ đâu, bất kỳ độ tuổi nào.

80 tuổi nhưng vợ chồng bà Nga ở riêng, ăn riêng dù chung vách với nhà con gái. Bà nói: “Mình còn minh mẫn, khỏe chân khỏe tay, không lẽ lại dựa dẫm, ỉ lại con?”.

Đỗ Thị Hương 

BẢN DESKTOP