Đặc biệt hơn, đàn ông ở đây cũng không đi bước nữa khi bạn đời mất sớm. Không ai ép buộc, người làng Trinh Tiết lại cảm thấy bình thản và hạnh phúc trước những quyết định của mình.
Nép mình bên dòng sông Đáy thơ mộng, phía trước hướng lên dãy Hương Sơn hùng vĩ, làng Trinh Tiết nằm ở thế đắc địa. Địa thế ấy đã tạo nên con người, nét truyền thống vô cùng đặc biệt có lịch sử hàng nghìn năm.
Biết chúng tôi tìm hiểu về ngôi làng đặc biệt này, ông Bùi Chí Dũng không ngần ngại dẫn đi một vòng.
Cổng làng Trinh Tiết.
Ngôi làng nổi bật với con dường lát gạch cổ sâu hun hút, theo lời ông Dũng nó làm nên linh hồn của làng. “Đây là những con đường được tạo nên nhờ sự đóng góp của các cô gái khi xuất giá.
Trước lúc lấy chồng, mong muốn tỏ lòng biết ơn với ngồi làng nơi chôn nhau cắt rốn, người con gái góp tiền của để xây dựng con đường gạch làm nên vẻ đẹp cho làng.
Chúng tôi luôn gìn giữ, coi nó là một phần làm nên ngôi làng Trinh Tiết này” – Ông Dũng giảng giải.
Ở mặt trước cổng làng Trinh Tiết có ghi: “làng văn hóa Trinh Tiết”, nhưng ở phía sau mặt cổng còn đắp nổi hai chữ khác: “làng Sêu”.
Chúng tôi tỏ ra không hiểu thì được ông Dũng giải thích nguồn gốc của làng Trinh Tiết với một câu chuyện đầy huyền thoại.
Ông Bùi Văn Lượng.
Xưa kia làng này mang tên Bối Lang, sau đổi thành làng Sêu – bởi người dân làng có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa rồi đem bán ở chợ Sêu.
Tương truyền rằng, phụ thân của Thành hoàng làng Triệu Quốc Bảo là người từ nơi khác tới mảnh đất này lập nghiệp rồi xây dựng gia đình.
Hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi sinh hạ được Bảo thì bố mất, để lại cảnh mẹ góa con côi. Mẹ Bảo là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú.
Chính vì thế, khi người chồng quá cố qua đời, có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết.
Bà tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Sau này, Triệu Quốc Bảo trở thành danh tướng, có công đánh giặc ngoại xâm nên được thờ là Thành hoàng của làng Sêu.
Thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng Sêu nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú.
Nhà Vua rất xúc động khi nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, vua đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.
Cũng vì tấm gương người mẹ Thành hoàng Triệu Quốc Bảo, dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng phải luôn chung thủy.
Dân làng Trinh Tiết giữ truyền thống chung thủy một lòng cả nghìn năm qua. Rất nhiều tấm gương về sự sắt son, nhiều câu chuyện cảm động thể hiện lòng trung trinh.
Tuy nhiên, đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay, những giá trị mà người dân làng Trinh Tiết tôn thờ là điều gì đó rất xa lạ. Chung thủy ngay cả khi bạn đời không còn – liệu điều đó có phải là thiệt thòi đối với người phụ nữ?
Bà Nguyễn Thị Ngân, Bí thư chi bộ thôn Trinh Tiết bày tỏ: “Giữ lòng thủy chung là lựa chọn của người phụ nữ ở làng chúng tôi.
Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện – không phải chịu bất cứ áp lực nào từ truyền thống, không phải do ai ép buộc. Những người phụ nữ làng Trinh Tiết cảm thấy vui vẻ và thanh thản với quyết định của mình”.
Trưởng thôn Bùi Chí Dũng kể truyền thuyết làng Trinh Tiết.
Ngỏ ý muốn gặp những nhân chứng sống cho truyền thống tốt đẹp của làng Trinh Tiết, chúng tôi được bà Ngân giới thiệu một danh sách dài như:
Bà Bùi Thị Tít, Lê Thị Vấn, Bùi Thị Dung, Lê Thị Phấn, Lê Thị Huy… Theo bà Ngân, họ đều là những con người đáng cảm phục.
Ngôi nhà của bà Bùi Thị Tít (SN 1948) nằm sâu trong một ngõ nhỏ. Bao nhiêu năm qua bà Tít sống thui thủi một mình. Mọi vật dụng trong nhà đều đơn sơ. Trên bàn thờ là di ảnh một người đàn ông trẻ trong bộ đồ quân nhân.
Hỏi ra mới biết đó chính là người chồng đã hi sinh của bà Tít. Bà bảo, vợ chồng bà lấy nhau chưa đầy 3 tháng thì ông nhận lệnh hành quân vào chiến trường B.
Năm 1971, hai người cưới nhau thì đến giữa năm 1972 bà Tít nhận được tin sét đánh rằng chồng mình đã hy sinh do bị bom khoan trúng hầm tại chiến trường Quảng Ngãi.
Không gì có thể tả hết nỗi đau của người vợ trẻ. Thời gian ấy, bà Tít như chết đi sống lại. Mất chồng, khi ấy bà Tít mới chỉ vừa tròn 24 tuổi.
Vì còn rất trẻ lại là người có nhan sắc nên thời gian sau đó rất nhiều người đàn ông đến và ngỏ ý muốn lấy bà làm vợ.
Nhưng theo lời bà Tít kể thì bà thường chẳng mất thời gian để suy nghĩ tới những lời ong bướm đó. Bởi trong tâm can một người vợ bà luôn tâm niệm đã là vợ chồng thì một ngày cũng nên nghĩa.
Đã lấy nhau, rồi thì trọn đời chung thủy. Thế nên 40 năm qua bà vẫn luôn sắt son với người chồng vắn số.
Cụ Bùi Thị Tít bên di ảnh người chồng đã hi sinh.
Bà buồn rầu tâm sự: “Tôi chỉ có tâm nguyện cả đời là tìm được di hài ông ấy để mang về quê hương.
Hai năm trước, đúng ngày giỗ của ông ấy, tôi lặn lội vào tận Quảng Ngãi, đi bộ mấy ngày mới đến được chiến trường xưa của chồng nhưng chỗ ấy, người ta san phẳng để trồng keo rồi.
Mấy tháng sau, tôi lại quay lại đó một lần nữa, nhưng cũng bất lực”.
Giờ đây, sức khỏe không còn, bà Tít đành lòng chấp nhận thủy chung với linh hồn người chồng đã hi sinh vì bà chẳng biết sẽ phải tìm hài cốt của ông ở nơi nào.
Một người phụ nữ khác ở làng Trinh Tiết cũng khiến chúng tôi khâm phục. Chị là Lê Thị Huy (SN 1972). Chị Huy xây dựng gia đình với anh Đỗ Văn Bình (SN 1966).
Cuối năm 1997, họ sinh đôi hai cháu trai. Kinh tế gia đình dù còn nhiều vất vả nhưng vợ chồng chị sống với nhau luôn êm ấm, thuận hòa.
Năm 2006, tai họa bất ngờ ập xuống gia đình chị khi anh Bình mắc bệnh ung thư và qua đời. Một mình chị phải cố gắng gấp nhiều lần người khác mới có thể xoay xỏa nuôi 2 cậu con trai ăn học.
Chị Huy chia sẻ: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Chẳng phải vì định kiến hay vì tiếng tăm gì đâu, mà bởi tôi muốn nuôi hai đứa nhỏ được bằng chúng bằng bạn. Nhìn hai con lớn lên, tôi đủ hạnh phúc rồi”.
Ông Bùi Chí Dũng, Trưởng thôn Trinh Tiết tự hào khoe với chúng tôi rằng: “Truyền thống thủy chung của làng Trinh Tiết không phải chỉ có ở phụ nữ, đàn ông của làng, nhiều người cũng ở vậy nuôi con từ khi còn rất trẻ.
Điển hình như ông Bùi Văn Lượng, ông Nguyễn Văn Tân, ông Đào Minh Lơ, ông Nguyễn Văn Thạnh…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì danh sách những người đàn ông quyết ở vậy nuôi con ở làng Trinh Tiết còn rất nhiều.
Những người dân nơi đây nói rằng, sở dĩ cánh đàn ông tự nguyện chấp nhận cảnh “gà trống nuôi con” là bởi vì họ lo cho tương lai con em mình.
Hơn nữa, họ cũng sợ cảnh “dì ghẻ, con chồng” sẽ khiến những đứa con của mình phải khổ.
Trong số những người đàn ông “thủ tiết”, câu chuyện của ông Bùi Văn Lượng (SN 1949) để lại cho chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp về tấm lòng của một người bộ đội hết mực yêu thương vợ con.
Ngày chiến tranh, ông Lượng phục vụ trong sư đoàn tên lửa. Hòa bình lập lại, vì người vợ mắc bệnh tim, ông xin giải ngũ về địa phương.
Ba con thơ nhỏ dại cùng người vợ ốm yếu khiến gánh nặng cả gia đình đều đặt lên vai ông. Ngoài trồng lúa, ông Lượng sớm tối chở đò mưu sinh.
Năm 1988, ông Lượng chịu cảnh “mồ côi vợ” khi mới 39 tuổi. Thương cảnh ông “gà trống nuôi con”, nhiều người đã chủ động làm mối để ông đi bước nữa.
Song, người bộ đội phục viên kiên quyết ở vậy nuôi nấng 3 con. Hiện tại, các con của ông Lượng đều đã trưởng thành. Niềm vui tuổi già của ông Lượng là chăm sóc đàn cháu nội, ngoại. Với ông, hạnh phúc như thế là trọn vẹn.
Tiễn chúng tôi cùng nụ cười mãn nguyện, ông Lượng nói rằng: “Truyền thống thủy chung của làng Trinh Tiết nổi tiếng xa gần, nhưng không phải là cùm kẹp đối với người dân trong làng.
Không ai ép buộc chúng tôi phải thế này, thế khác. Người bạn đời thiệt thân – đấy là nỗi bất hạnh. Chúng tôi lựa chọn không đi bước nữa vì nghĩ đến con cái – bởi vì không muốn các cháu cũng chịu lây nỗi bất hạnh”.
Song Anh (Theo CAND)