Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt và những vụ kiện với đối tác nước ngoài

  • Tác giả : Anh Nhi
Trong tiền lệ, Gilimex (GIL) không phải lần đầu tiên doanh nghiệp Việt và các đối tác nước ngoài vướng phải bất đồng trong làm ăn và phải giải quyết bằng pháp lý.

Gần đây, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất Nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL) đã đâm đơn kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon với cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Truyền thông quốc tế cho biết, vụ kiện này trị giá 280 triệu USD và hiện Amazon vẫn chưa có phản hồi về sự việc.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp Việt và các đối tác nước ngoài vướng phải bất đồng trong làm ăn và phải giải quyết bằng pháp lý, số phận của các doanh nghiệp này như thế nào sau vụ kiện?

Mới nhất, May Sông Hồng (MSH) vướng phải sự việc RTW Retailwinds Inc. - Công ty mẹ của New York & Company - đối tác lớn nhất của công ty thời điểm đó đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản lên cơ quan chức năng của Hoa Kỳ do mất khả năng thanh toán vào ngày 13/7/2020.

Doanh thu của New York & Co chiếm khoảng 13% tổng doanh thu MSH năm 2019, khoảng 575 tỷ đồng. Công ty thực hiện bán hàng theo các đơn đặt hàng từ New York & Company (bên mua) thông qua một đối tác của bên mua là Easy Fashion Macao Offshore Limittes (Easy Fashion).

Theo thoả thuận giữa MSH và bên mua, việc thanh toán các khoản công nợ liên quan đến các giao dịch bán hàng cho bên mua sẽ thực hiện thông qua Easy Fashion. Thời hạn thanh toán đối với các khoản công nợ này là 90 ngày.

Tại ngày 31/12/2020, số dư phải thu của Công ty từ các giao dịch bán hàng cho New York & Company là 218 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 64,5 tỷ đồng, MSH phải trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 153,5 tỷ đồng. Đến quý 2/2021, MSH đã bán khoản phải thu trên với giá trị thu hồi là 80 tỷ đồng.

Cũng là doanh nghiệp cùng ngành, Dệt may Thành Công (TCM) cũng từng đối mặt với hoàn cảnh tương tự khi đối tác xuất khẩu lớn phá sản.

Vào khoảng cuối năm 2018, Dệt may Thành Công đối mặt với sự cố đối tác lớn tại Mỹ là Sears Holdings đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Cùng với việc xin bảo hộ phá sản của Sears là 49 công ty con bao gồm hai công ty là Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation đang có giao dịch mua hàng với TCM.

Ước tính lúc bấy giờ của TCM, 2 công ty này đóng góp khoảng 7% doanh thu TCM, tương đương với con số mất đi từ vụ phá sản này ghi nhận từ 175-224 tỷ đồng.

Vào năm 2019, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (công ty con của Masan Group) đã thắng kiện 130 triệu USD từ Jacobs Group - một đối tác của họ tại Mỹ, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng theo phán quyết của hội đồng trọng tài do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định.

Vụ kiện này liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011 phục vụ dự án Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Dây chuyền chế biến này hoàn thành trong năm 2015 và 2016.

Do có tranh chấp, phía Núi Pháo đã đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore ngày 30/9/2015. Hai bên đã có 3 tuần điều trần, kết thúc ngày 15/12/2017.

Như một phần của thỏa thuận dàn xếp, sau khi nhận khoản bồi thường 130 triệu USD, Núi Pháo đã chấm dứt vô điều kiện việc thực hiện các quyền theo Phán quyết chung thẩm từng phần cùng tất cả các yêu cầu và hành động liên quan đến vụ kiện.

Khoản tiền dàn xếp vụ kiện tại hội đồng trọng tài quốc tế thời điểm đó đã giúp Masan lãi đậm, đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận của Masan sau 9 tháng năm 2019.

Khi vụ việc của Masan lắng xuống, thị trường tiếp tục ghi nhận một trường hợp tương tự nữa chỉ cách sau đó vài tháng.

Tháng 11/2019, Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) thắng vụ kiện hơn 2.000 tỷ với tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc.

Cụ thể, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định về việc huỷ hoàn toàn phán quyết trọng tài ngày 10/4/2019 của Hội đồng trọng tài buộc Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỷ đồng cho tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc.

Mâu thuẫn giữa hai bên liên quan tới dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Xuất phát từ nguyên nhân nhà thầu Trung Quốc không thực hiện đúng tiến độ thi công như đã cam kết, buộc Công ty Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh phải đình chỉ hợp đồng và tịch thu khoản bảo lãnh.

Dự án đã được tiến hành khởi công từ năm 2009, nhưng do chậm tiến độ, đã đội vốn từ giá trị đầu tư ban đầu là 5.744 tỷ đồng, đến năm 2015 điều chỉnh lên đến 7.408 tỷ đồng.

Vốn hoá thị trường của Gilimex bốc hơi 480 tỷ đồng

Ngay sau khi có thông tin về vụ việc Gilimex kiện Amazon, cổ phiếu GIL lập tức bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày 15/12. Tính đến 20/12, GIL đã nằm sàn 4 phiên liên tiếp, đưa giá cổ phiếu từ mức 28.200 đồng/cổ phiếu xuống 21.200 đồng/cổ phiếu – tương ứng bị thổi bay gần 25% giá trị. Vốn hoá của Gilimex lao dốc hơn 480 tỷ đồng.

Không chỉ liên tục lao dốc, thanh toán của GIL cũng xuống thấp kỷ lục cho thấy nhà đầu tư vẫn dè dặt và hầu như chỉ muốn bán ra. Trong khi trước đó, lượng giao dịch hàng ngày trong vòng một tháng qua của cổ phiếu này đều duy trì ở mức gần 2 - 3 triệu đơn vị.

Trước đà giảm sâu, Chứng khoán MB (MBS) đã ra thông báo loại GIL khỏi danh mục cho vay margin từ ngày 20/12/2022 và loại khỏi danh mục tính QTRR (quản trị rủi ro) từ ngày 23/12/2022.

Anh Nhi

BẢN DESKTOP