KINH TẾ

Doanh nghiệp thời 4.0: Tăng sức cạnh tranh bằng nền tảng số

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Các nền tảng lớn như Facebook, Google, Amazon, Alibaba… kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng nhỏ, tạo nên một hệ sinh thái số mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt thời 4.0 muốn phát triển, tăng sức cạnh tranh, thì phải xây dựng được hệ sinh thái nền tảng số.

Nền tảng số khơi nguồn sáng tạo

PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR cho biết, kinh tế nền tảng số đã và đang hiện diện rất mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các nền tảng lớn có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng con như một hệ sinh thái. Facebook, Google, Amazon, Alibaba… là những nền tảng toàn cầu đã tạo ra những nền tảng nhỏ hơn phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một hệ sinh thái chung là những ví dụ điển hình.

Trung Quốc đã phát huy sức mạnh của cuộc cách mạng nền tảng số để giúp nền kinh tế nước này trở nên cạnh tranh hơn và tăng tốc ngày càng nhanh với những nền kinh tế phát triển. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hợp tác sáng tạo là một chiến lược thành công cho các nền tảng.

Cụ thể, các nhà cung cấp Trung Quốc đã sử dụng các hệ sinh thái để phát triển dịch vụ thanh toán di động sáng tạo. Điển hình như Alibaba đã tận dụng khôn ngoan một sức mạnh cạnh tranh rất to lớn khác của các nền tảng là khả năng kết hợp chặt chẽ các nguồn lực và các kết nối của những đối tác bên ngoài để trở thành những năng lực của chính nền tảng.

Năm 2014, để mở rộng khả năng cung cấp hàng hóa từ Mỹ cho người tiêu dùng Trung Quốc, Alibaba đã thiết lập mối quan hệ đối tác với ShopRunner, một công ty dịch vụ hậu cần (logistics) của Mỹ. ShopRunner đã có sẵn những thỏa thuận với các thương hiệu Mỹ. Điều đó cho phép Alibaba giao những sản phẩm từ Mỹ đến khách hàng ở Trung Quốc chỉ trong hai ngày. Với chiến lược này, hiện nay Aliaba đang sở hữu một hệ sinh thái với 9 nền tảng con trong đủ lĩnh vực như: AutoNavi cung cấp bản đồ, Taobao với mua sắm trực tuyến, Alipay ứng dụng thanh toán…

Môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các yếu tố liên quan đến thể chế, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, và tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Bản thân các nền tảng số đã góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website... Xa hơn nữa, “các chính phủ cũng có thể trở thành một nền tảng” để tạo ra một thể chế thuận lợi và ưu việt hơn.

Một ví dụ hàng đầu là chính sách “dữ liệu mở” của thành phố San Francisco khởi xướng từ năm 2009. Văn phòng Thị trưởng về đổi mới công dân, được thiết kế để xúc tiến việc chia sẻ dữ liệu thành phố thông qua một cổng truy cập mở (DataS). Nhờ sử dụng thông tin từ DataSF, hàng loạt ứng dụng được ra mắt như: Neighborhood Score cung cấp số liệu về sức khỏe; Buildingeye cho phép người dùng dễ dàng xây dựng và lập kế hoạch dự án; Yelp một nền tảng đánh giá nhà hàng kết hợp với điểm số đánh giá của sở Y tế thành phố đối với các món ăn địa phương... 

Ngoài các khả năng trên, nền tảng số còn giúp phát hiện ra nguồn cung cấp mới. Chẳng hạn như Twitter, Facebook cho phép bất cứ ai trở thành một nguồn tin tức mà không cần phải trở thành một nhà báo. YouTube tăng kho nội dung mà không cần thiết lập nhà truyền thông mới. ELance cho phép các công ty hoàn thành công việc mà không phải thuê người làm công việc này. Chính sự sáng tạo của các nền tảng trong cách tiếp cận kinh doanh đang cổ vũ những đổi mới sáng tạo ở người dùng. 

Ứng dụng để tăng sức cạnh tranh

Theo nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ, mà ngày càng phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, theo khung đánh giá Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các trụ cột quyết định khả năng cạnh tranh bao gồm: hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thị trường, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh thuận lợi. Việt Nam có thể cải thiện sức cạnh tranh bằng vận dụng kinh tế nền tảng số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Theo nghiên cứu của Ambient Insight, Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018. Từ bài học nền tảng số theo hệ sinh thái trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia của VEPR chỉ ra rằng: Kinh tế nền tảng số là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia. Do vậy, để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam trước hết tự thân các nền tảng phải trở nên cạnh tranh hơn. Chiến lược mà nhiều quốc gia đang sử dụng là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, “ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối các nền tảng với nhau”.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các nền tảng số đã và đang góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website…

Bên cạnh các hoạt động giao dịch, các nền tảng cũng là nơi thích hợp để diễn ra các hoạt động, giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức kĩ năng. Một số nền tảng nổi bật trong lĩnh vực này của Việt Nam như Topica, Edumall, Kyna, Học mãi… đang phát triển nhanh chóng.

Theo CEO của Công ty công nghệ Be Group Trần Thanh Hải, tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ chính là cơ sở dữ liệu người dùng. Chính người dùng đang hàng ngày làm giàu dữ liệu cho các dịch vụ của nước ngoài và họ đang “khai thác” chứ không phải đầu tư vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần phải làm chủ được dữ liệu này bởi đây là tài nguyên quốc gia. Bảo vệ cơ sở dữ liệu người dùng cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên nền không gian mạng.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp trong nước phải tập trung đầu tư bài bản, có chiều sâu trong các lĩnh vực công nghệ và tránh phụ thuộc vào các công nghệ, dịch vụ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT UPGen Việt Nam Đỗ Hoài Nam cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các nền tảng số có giá trị hàng tỷ USD phục vụ thị trường nội địa. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng số để có tư duy mới trong quản lý, tránh áp dụng quy định cũ vào mô hình mới.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP