Bình luận

Doanh nghiệp thích nhanh, cán bộ thích tiền

PGS.TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Hà Nội nhận định, việc có đến 31% doanh nghiệp thừa nhận “đi đêm” với cán bộ thuế là bởi chúng ta chưa có hệ thống kiểm tra, kiểm soát tốt, còn tồn tại trong bộ máy những người thích làm ăn chộp giật. Giống như kiểu cung gặp cầu, doanh nghiệp thích thủ tục nhanh chóng, gọn nhẹ, bỏ qua sai phạm, còn cán bộ thì thích tiền.

Kiểm tra để kiếm ăn

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạng trong lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu. Áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí bày cho hộ kinh doanh cách trốn thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015 qua khảo sát đánh giá có 63% hộ kinh doanh đi đêm với cán bộ thuế, nhưng 2016 đánh giá lại thì khoảng 31%. Ông nghĩ sao về con số 31% này?

Đó đúng là một con số không nhỏ. Nhiều người mới nói với nhau rằng kinh doanh ở Việt Nam khó gấp 2 lần các nước khác, là do bởi tham nhũng, cán bộ nhũng nhiễu như thế này.

Nguyên nhân của tình trạng ấy là do đâu?

Xưa nay không có sự kiểm tra giám sát nghiêm túc, thông tin thiếu tính minh bạch, hệ thống quản lý thiếu sự giám sát. Cơ quan kiểm tra thay vì đi kiểm tra để bắt lỗi doanh nghiệp để chấn chỉnh thì đâu đó có chuyện đi kiểm tra để có thu nhập, đi kiểm tra để kiếm ăn.

Đó là thực trạng rất buồn. Rồi tình trạng luật còn chồng chéo, các cơ quan quản lý cũng trùng nhau về chức năng nhiệm vụ, thành ra thế.

Cơ quan kiểm tra, giám sát mà như thế thì nguy?

Thế nên báo chí mới nêu đấy. Nhiều cơ quan đi kiểm tra  bảo rằng chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra thôi chứ không có chức năng xử phạt, không có chức năng đình chỉ…

Tôi thì lại thấy vấn đề ở đây chính là công tác cán bộ?

Đúng là thế. Vấn đề lựa chọn, tuyển dụng, sử dụng cán bộ cũng có vấn đề. Không chọn được người có tâm huyết mà đâu đó lại lựa chọn những người làm ăn chộp giật.

Chuyện bảo vệ tổ dân phố cắt cổ cháu bé đấy, thì đúng là việc chọn người vào các vị trí công việc có vấn đề, thay vì bảo vệ dân thì cắt cổ dân đấy.

Bản chất của việc này là tham nhũng?

Đáng tiếc là tham nhũng này lại phổ biến chứ không phải là cá biệt nữa. Ở một số nước, tham nhũng là cá biệt, nhưng ở ta, tham nhũng kiểu này rất phổ biến.

Muốn nhanh, gọn, phải tiền

Nói gì thì nói, tôi cho rằng cũng không đổ hết lỗi cho cán bộ, mà doanh nghiệp cũng có sai trong việc “đi đêm” với cán bộ?

Ý thức của doanh nghiệp chưa cao, chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Ví dụ một người vi phạm luật giao thông, lỗi đó bị phạt 800 ngàn đồng. Có hai lựa chọn. Nếu đưa cho cảnh sát 400 ngàn đồng không cần hóa đơn, thì xong việc, đi luôn.

Nếu yêu cầu viết hóa đơn thì sẽ phải nộp cả 800 ngàn đồng, phải ra kho bạc nộp, rồi mới quay lại cơ quan công an lấy giấy tờ xe. Sẽ mất nhiều thời gian, nhiều tiền hơn.

Thế là nhiều người mới chọn phương án 1. Doanh nghiệp cũng thế, thay vì phải thủ tục lằng nhằng, lỗi này bị phạt 10 triệu đồng, thì thôi, đưa cho cán bộ 5 triệu, thế là xong. Nhanh. Gọn.

Nhưng khi doanh nghiệp chấp nhận “đi đêm” cũng đồng nghĩa bởi họ có sai phạm?

Họ chấp nhận việc đó cũng vì nhiều lý do. Có thể họ sai, họ muốn giải quyết cho nhanh. Có thể họ không sai, nhưng không muốn bị cán bộ “hỏi thăm” nhiều, nên họ cũng chấp nhận bỏ tiền cho xong.

Thế mới thấy kinh doanh khó khăn đến thế nào. Thay vì đăng ký, kinh doanh, đóng thuế thì ở ta khâu nào cũng cần phải “bôi trơn”, “chạy chọt”.

Ví dụ ạ?

Thì muốn đăng ký kinh doanh cũng phải xin phép, kinh doanh có vấn đề nọ kia cũng phải xin xỏ chạy chọt, rồi đóng thuế thì cũng không minh bạch.

“Đi đêm” với cán bộ để ăn chia, để có lợi chút nào hay chút ấy. Cán bộ có chút thu nhập mà doanh nghiệp cũng được lợi. Nói chung là nhiều việc phức tạp.

Giả sử như doanh nghiệp không sai gì cả, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, nộp thuế đầy đủ, thì liệu cán bộ có điều kiện nhũng nhiễu?

Ôi trời ôi, cán bộ họ giỏi lắm. Không có lỗi gì họ cũng có thể tìm ra lỗi để phạt. Họ giỏi tìm lỗi lắm.

Xem ra cán bộ là một “cản trở” của doanh nghiệp?

Vừa rồi chúng ta nói nhiều đến giấy phép con, đó chính là thực trạng cán bộ tìm ra mọi điều khoản để gây khó dễ cho doanh nghiệp đấy. Cũng may chúng ta nhận ra và đang nỗ lực tháo gỡ, xóa bỏ những quy định không phù hợp, kìm chân doanh nghiệp.

Giàu lên nhờ “làm quan”

Thực trạng đó dẫn đến một hiện tượng xã hội là người ta coi tham nhũng như một tất yếu?

Tôi muốn nói đến một thực trạng khác, đó là ở Việt Nam, số người giàu lên nhờ “làm quan” luôn nhiều hơn số người giàu nhờ buôn bán kinh doanh. Cô bảo, dễ gì mà buôn bán làm ăn lãi được tiền tỉ, nhưng “làm quan”, có người kiếm hàng chục tỉ không khó khăn gì.

Ở TP HCM cách đây khoảng hơn chục năm, có người đã thực hiện điều tra xã hội học về vấn đề này và kết luận, số người giàu lên nhờ làm ăn buôn bán kinh doanh ít hơn số người giàu lên nhờ con đường làm quan chức.

Thật vậy ư?

Người thực hiện điều tra đó cũng tên là Định, làm ở Viện Khoa học xã hội TP HCM. Người kinh doanh có hàng chục, hàng trăm tỉ là rất hiếm, nhưng người “làm quan” có khoản tiền đó chắc cũng không ít.

Hay muốn kinh doanh tốt thì phải chạy chọt có chân trong bộ máy, hoặc phải móc ngoặc với lãnh đạo, “đi đêm” với quan chức. Còn quan chức thì ngược lại, chỉ việc hưởng mà thôi.

Theo ông chúng ta phải làm gì để giải quyết thực trạng này?

Chừng nào chúng ta thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, đúng nghĩa thì chúng ta mới khắc phục được thực trạng này.

Nghĩa là doanh nghiệp được làm ăn sòng phẳng, cạnh tranh sòng phẳng, không cần phải tạo quan hệ, “đi đêm” với cán bộ nào… cũng được kinh doanh thuận lợi.

Còn nếu chúng ta vẫn cứ duy trì kiểu kiểm tra để “kiếm ăn”, không xử lý những người sai phạm, để luật có những lỗ hổng cho người ta lách, tuyển dụng, sử dụng những cán bộ thiếu tâm, biến chất, cơ hội… thì chừng đó chúng ta phải chấp nhận thực trạng này.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ghi nhận những cố gắng trong việc cải cách thủ tục làm lành mạnh hóa nợ thuế, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, đâu đó vẫn còn những tồn tại, bất cập chưa thể hiện đầy đủ sự minh bạch, gây nhiều bức xúc như sự thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế nhằm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn trả lại. Việc kê khai khoản nộp thuế cũng chưa rõ ràng, minh bạch để có lợi cho người nộp và có thể cũng có thuận lợi cho cán bộ thuế, gây thất thu ngân sách, không công bằng giữa các doanh, làm triệt tiêu tính cạnh tranh lành mạnh mà thay vào đó là cạnh tranh nhau một cách tiêu cực thông qua các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cán bộ thuế, gây so bì trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP