KINH TẾ

Doanh nghiệp Nhà nước: Tài sản 2,7 triệu tỷ đồng, nợ chiếm 1, 4 triệu tỷ đồng

  • Tác giả : Thiên Ân
Năm 2020, 11 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước lỗ luỹ kế hơn 11.460 tỷ đồng - theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội.

Báo cáo nói về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020. Trong đó, tổng hợp tình hình "sức khoẻ" của 807 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước (tính đến 31/12/2020).

Tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là hơn 2,7 triệu tỷ đồng. Nhưng các tập đoàn, tổng công ty có số nợ phải trả hợp nhất đã lên tới 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 52%.

Nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước của các tập đoàn, tổng công ty là 430.317 tỷ đồng. Nợ nước ngoài là 395.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay dài hạn với 389.189 tỷ đồng).

Tập đoàn EVN nợ nước ngoài nhiều nhất, với 190.231 tỷ đồng. Sau đó đến tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc (VEC) 66.686 tỷ đồng, tập đoàn Dầu khí Quốc gia 27.313 tỷ đồng; Vinacomin 9.903 tỷ đồng,...

Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2020, 11 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước lỗ luỹ kế hơn 11.460 tỷ và 7 công ty mẹ lỗ hơn 6.000 tỷ đồng. Dầu khí, hàng không, du lịch, vận tải là những lĩnh vực lỗ nhiều nhất.

Nguyên nhân là do dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nặng nề tới khả năng sản xuất, kinh doanh cả các tập đoàn, doanh nghiệp. Lãi trước thuế năm 2020 của 11 tập đoàn, tổng công ty giảm tới 21% so với 2019, chỉ đạt 116.776 tỷ đồng.

Trong khi có những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả nhiều năm liền do các dự án đầu tư khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ.

Các tập đoàn, tổng công ty có lãi trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, như Viettel, PVN, EVN, VNPT,…

Điều đáng nói, theo đánh giá của Chính phủ về mức độ bảo toàn vốn của các công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty: 8/73 công ty mẹ được xác định là không bảo toàn được vốn chủ.

Thiên Ân

BẢN DESKTOP