KINH TẾ

Doanh nghiệp nhà nước chậm chia cổ tức cho Nhà nước

  • Tác giả : Trọng Nhân
(khoahocdoisong.vn) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2019, trong năm này, mới chỉ có 14 doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả có chia cổ tức cho Nhà nước.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2019, trong số 47 doanh nghiệp nhà nước do bộ ngành quản lý hoạt động tốt, có 40 doanh nghiệp có lợi nhuận. Tuy nhiên, chỉ có 14 doanh nghiệp trong dó thực hiện chia cổ tức cho Nhà nước.

Tổng doanh thu năm 2019 của 138 doanh nghiệp nhà nước do bộ ngành quản lý đạt 924.961 tỷ đồng, tăng gần 25%. Trong đó, doanh thu từ 13 doanh nghiệp, tập đoàn lớn thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước (CMSC) chiếm tới 72% tổng số. Nhưng ngược lại, lợi nhuận sau thuế của 138 doanh nghiệp chỉ đạt hơn 83.000 tỷ đồng, giảm 5,32%.

Về an toàn tài chính, Bộ Tài chính cho biết, chỉ có 46/138 doanh nghiệp do bộ ngành làm đại diện chủ sở hữu được đánh giá là có an toàn. Năm 2019, số các doanh nghiệp do CMSC quản lý đạt doanh thu 337.810 tỷ đồng, giảm gần 5% về doanh thu, nhưng lại tăng gần 26% về lợi nhuận sau thuế, với 34.408 tỷ. Tuy nhiên, chỉ có 14 doanh nghiệp trong số này có báo cáo cho biết đã chia cổ tức cho phần vốn Nhà nước, với số tiền 16.752 tỷ đồng.

Theo báo cáo tháng 10/2020 của Chính phủ với Quốc hội (Báo cáo về hoạt động đầu tư và quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2019) tính tới năm 2019, có 419 doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, 372 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, có 107/818 doanh nghiệp bị lỗ.

Báo cáo cũng cho biết tổng tài sản của các công ty mẹ trong số này đạt 1,93 triệu tỷ đồng, với 18% trong số đó là tài sản cố định. Tuy nhiên, hệ số quay vòng tổng tài sản (doanh thu thuần/tổng tài sản) của các công ty mẹ năm 2019 chỉ là 0,53%, cho thấy các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục sử dụng tài sản vào hoạt động sản xuất kinh doanh khá thiếu hiệu quả. 

Trọng Nhân

BẢN DESKTOP