KINH TẾ

Doanh nghiệp ngành rượu, bia đang bị kỳ thị?

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Ước tính mỗi năm ngành rượu bia đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng vào ngân sách. Tuy nhiên, nhiều năm qua ngành này vẫn luôn bị áp nhiều loại thế, và dự kiến sẽ còn bị áp thêm, chứ không được miễn giảm.

Lỗi tại lạm dụng

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, ngành công nghiệp đồ uống có mức tăng trưởng cao hàng đầu tại Việt Nam, tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm, đóng góp hơn 10% GDP.

Tuy đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế, nhưng bia, rượu hay rộng hơn là ngành đồ uống có cồn, có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng và an ninh xã hội, nên Chính phủ có nhiều biện pháp nhằm hạn chế mức độ tiêu thụ của loại sản phẩm này.

Hiện, rượu bia đang chịu 9/12 loại thuế, như thuế xuất nhập khẩu với nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu để sản xuất rượu bia. Thuế giá trị gia tăng vào khoảng 10% đối với hàng hóa là bia, rượu và nước giải khát, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu ở nồng độ cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%...

Gần nhất, Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khiến sản lượng tiêu thụ bia rượu giảm mạnh. Thống kê từ Hiệp hội Bia-Rượu Nước giải khát (VBA) cho biết, từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên sản lượng tiêu thụ nhiều doanh nghiệp trong ngành giảm đến 40 - 50%, một số hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70 - 80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông nhìn nhận, tác động của Nghị định 100 lên ngành rượu, bia là rất nặng nề, nhưng Nghị định này lại khá khiên cưỡng.

Ví dụ như xử phạt khi có nồng độ cồn trong máu. Thực tế, tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao bởi phương tiện cá nhân nhiều, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo nhiều hơn là từ rượu, bia. Và hiện nay cũng chưa có điều tra xã hội học nào đánh giá tác động của Nghị định từ khi đi vào thực tế.

Số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ nêu lên số hành vi bị xử phạt do sử dụng rượu, bia giảm, nhưng không thể chứng minh được số tai nạn vì rượu, bia trong năm 2020 giảm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng: “Rượu, bia không có lỗi, chỉ những người lạm dụng rượu, bia mới có lỗi. Luật chỉ nên phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia, chứ không phải phòng chống tác hại của rượu bia”.

Ông Phụng còn cho rằng, người lạm dụng rượu, bia là người đáng trách, tuy nhiên người uống rượu, bia có trách nhiệm thì đáng biểu dương, bởi họ đảm bảo được sự cân bằng giữa sức khỏe và tiền bạc, giữa nhu cầu cung – cầu của thị trường.

Chiến lược mới cho ngành rượu, bia

Chiến lược phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đã đặt mục tiêu xây dựng ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế, có thương hiệu mạnh trên thị trường, sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, cạnh tranh tốt trong quá trình hội nhập, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu...

Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề kéo lùi sự phát triển của ngành này. Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, trong 10 tháng năm 2020, cả nước mới chỉ tiêu thụ được khoảng 3,6 tỷ lít bia, rượu, thấp hơn rất nhiều so với con số 6,1 tỷ lít cả năm 2019.

Các “ông lớn” trong ngành bia, rượu cũng đều trong tình trạng khó khăn. Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu giảm 28,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 20%... Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội cũng ghi nhận kết quả kinh sụt giảm mạnh hơn so với năm trước.

Dự báo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia.

Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long cảnh báo, thời gian tới thị trường bia trong nước sẽ còn khốc liệu hơn khi thị hiếu người tiêu dùng trong nước thay đổi và các loại bia mới, đặc biệt là bia nhập khẩu trong phân khúc cao cấp sẽ đẩy sự cạnh tranh lên cao hơn.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, trong nguy sẽ có cơ. Ví dụ như tiềm năng của phân khúc “bia không cồn” - chìa khoá giúp tháo gỡ quy định của Nghị định 100 – đang rất lớn khi rất ít doanh thương hiệu trong phân khúc này.

Thị trường xuất khẩu cũng là một mảnh đất mới đối với các hãng bia trong nước, nhất là thị trường các nước ASEAN hay Trung Quốc. Giai đoạn 2010 - 2019, sản lượng bia xuất khẩu tăng hơn năm trước, đạt hơn 46 triệu lít, trị giá 45,87 triệu USD. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và RCEP vừa được ký kết cũng hứa hẹn nhiều cơ hội.

Theo ông Long, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Với đặc thù doanh nghiệp sản xuất bia có các chi phí đầu vào ổn định và không quá cao, thì việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân sự, marketing, quản lý doanh nghiệp sẽ là những vấn đề cốt lõi để gia tăng lợi nhuận.

Đồng quan điểm, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng cho rằng, trong thời gian tới, để tháo gỡ các khó khăn cho ngành công nghiệp rượu bia, các doanh nghiệp cần xem xét gia tăng sản phẩm thay thế hỗ trợ, các sản phẩm sạch, hữu cơ cần được chú trọng trong ngành nước giải khát. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thay đổi về vấn đề chuyển đổi số, tiếp cận người dùng, tái cấu trúc mạng lưới phân phối...

Hồng Nhung

BẢN DESKTOP