KINH TẾ

Doanh nghiệp mù mờ thông tin, nguy cơ EVFTA "chờ thêm" 4 - 5 năm

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVAFTA) sẽ có hiệu lực chính thức từ 1/8/2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không biết hoặc chỉ biết “láng máng” về EVFTA.

Doanh nghiệp thờ ơ, độ trễ lên tới 4 - 5 năm?

Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho Doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19” do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, có khoảng hơn 300 doanh nghiệp được mời tham dự. Nhưng, thực tế chỉ một vài chục đại diện tham gia.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ lo ngại khi các doanh nghiệp còn rất thờ ơ dù thời gian có hiệu lực của Hiệp định đã gần kề. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ câu hỏi nào của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 77% doanh nghiệp không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói đến EVFTA và nghĩ rằng Hiệp định này không mấy ảnh hưởng đến họ.

Lãnh đạo Công ty TNHH XNK Xuyến Hoa (Tây Ninh) cho hay: “Tôi cũng nghe loáng thoáng về EVFTA trong thời gian gần đây. Công ty có xuất khẩu hạt điều, nhưng có rất ít khách hàng từ thị trường EU hỏi mua mặt hàng này của chúng tôi, nên chúng tôi chưa tập trung đến. Hiện, công ty chúng tôi chủ yếu xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc, Nga và Đông Âu”.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương), nhiều doanh nghiệp vẫn đang quen với tư duy kinh doanh cũ, chỉ tập trung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với họ, EVFTA  là rất xa vời vì những điều kiện khắt khe từ phía đối tác.

Phần đông các doanh nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn quen “làm gì bán đấy, có gì xuất nấy”, thay vì tìm hiểu thị trường các nước EU cần gì để có kế hoạch sản xuất trước và đón bắt cơ hội thị trường.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam nhận xét, EVFTA mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang chìm đắm trong quá nhiều khó khăn.

Trước mắt, họ đang phải lo nghĩ đưa hoạt động kinh doanh vào ổn định, làm sao để cuối tháng dòng lưu chuyển tiền tệ (cash flow) không bị âm, đảm bảo đủ thanh khoản trong ngắn hạn. Nếu như thông tin không mang lại lợi ích ngay lập tức cho doanh nghiệp vào thời điểm này thì họ chưa đặt quan tâm cao nhất. Các doanh nghiệp phải ưu tiên lo tự cứu mình vượt qua cú sốc Covid-19 trước khi đến những vấn đề cao xa hơn như EVFTA.

Việc xoá bỏ thuế quan không hẳn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp ngay lập tức, bởi rất nhiều doanh nghiệp đang bị vướng mắc bởi một loạt rào cản về quy tắc xuất xứ, yêu cầu khắt khe về vấn đề sử dụng người lao động, tiêu chuẩn kĩ thuật... chưa kể đến việc thâm nhập một thị trường mới là không hề dễ dàng. Vì vậy, để Hiệp định này thực sự mang lại lợi ích tối đa cho các doanh nghiệp cần phải mất thời gian chứ không thể ngay một sớm một chiều. Độ trễ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được cơ hội kinh doanh quốc tế thường từ 4 - 5 năm.

Khâu chuẩn bị yếu

EVFTA là chủ đề khá “nóng” trên truyền thông trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thông tin về Hiệp định này vẫn chỉ đề cập chung chung về lợi ích từ việc xoá bỏ thuế quan khi hiệp định có hiệu lực. Hầu hết chỉ là những thông tin mang tính chất quảng bá về mặt chính sách, mà chưa có thông tin cụ thể trong các cuộc đàm phán về từng quy định xuất xứ hàng hoá, tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng... để cập nhật cho doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề xuất khẩu khác nhau cần những thông tin chuyên ngành khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp. Được biết, tài liệu về EVFTA bằng tiếng Anh có khoảng 1.400 trang, nhưng đến nay tài liệu chi tiết tiếng Việt về Hiệp định để giúp doanh nghiệp tiếp cận tìm hiểu dễ dàng hơn vẫn rất hiếm.

Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết và thông qua FTA rất tốt, nhưng việc chuẩn bị cũng như phổ biến những quy định cụ thể, nội luật hoá theo từng điều kiện và các kênh thì vẫn theo lối cũ, còn nhiều bất cập, dẫn đến lệch pha giữa các khâu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thiếu chủ động tìm hiểu các FTA, thậm chí có tư tưởng ngại mất thời gian. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hoá. Trong khi đó, còn rất nhiều vấn đề phi thuế quan khác cũng cần quan tâm.

TS Lê Duy Bình cho rằng, để Hiệp định nhanh chóng phát huy hiệu quả với doanh nghiệp và xuất nhập khẩu, cần có sự chung tay từ cả 2 phía: Nhà nước và Doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần tích cực hơn trong việc tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các hiệp hội ngành nghề như là Vasep, Lefaso, Hawa... để cung cấp thông tin tới doanh nghiệp.

Ngược lại, phía doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm các thông tin liên quan tới FTA qua nhiều kênh khác nhau. Họ có thể tìm hiểu thông tin qua chuyên gia tư vấn, thông qua hiệp hội ngành nghề của mình, qua các tổ chức kinh tế, thậm chí qua luật sư.

Ông Bình cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể chỉ luôn luôn dựa vào Nhà nước, trông chờ Nhà nước “dắt tay chỉ việc” rồi mới làm. Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của WTO, các cam kết trong EVFTA, từ đó mới khai thác hết được lợi ích của EVFTA cũng như những FTA khác.

Tuấn Thủy

BẢN DESKTOP