KINH TẾ

Doanh nghiệp mắc bẫy chứng nhận giả vì muốn "đi tắt"

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm cách đưa khẩu trang vào thị trường EU, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây là những thị trường rất khó tính, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu rất cao. Nhiều doanh nghiệp đã gặp phải quả đắng khi muốn đi nhanh, đi tắt.

Ồ ạt sản xuất dẫn đến dư thừa

Châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát với số ca lây nhiễm ngày càng tăng cao. Khẩu trang y tế vẫn là mặt hàng “nóng” khi cung không đáp ứng đủ cầu từ thị trường. Nhiều doanh nghiệp may mặc đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang, coi đây như “phao cứu sinh” trong khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ có những doanh nghiệp lớn, cả những hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng tập trung đầu tư công nghệ sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân khác đều là những mặt hàng có liên quan đến sức khỏe, sự an toàn của người sử dụng. Do đó, các nước nhập khẩu thường có rất nhiều tiêu chuẩn áp dụng với các loại khẩu trang khác nhau.

Để đưa được sản phẩm khẩu trang vào thị trường EU, Hoa Kỳ, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các chứng nhận ISO 9001:2015, ISO 13485:2016, CE hoặc FDA, kết quả thử nghiệm EN 14673, EN 149:2001.

Mặc dù trong thời điểm dịch bệnh, châu Âu đã nới lỏng các tiêu chuẩn cho một số mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện tuân theo pháp luật của EU thông qua việc gắn dấu CE (Conformité Européenne).

Hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp dệt may lớn là có đầy đủ các chứng nhận này. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vẫn chưa nắm rõ được cách làm thủ tục, chưa có kiến thức đầy đủ về các yêu cầu chứng nhận.

Nhiều doanh nghiệp sau khi tìm được các đơn hàng thì lại hết sức lúng túng, không biết các quy trình, thủ tục khi xuất khẩu và bị trả lại do không đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước đối tác. Việc sản xuất khẩu trang ồ ạt, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào sẽ “không có cửa” để xuất sang EU, Hoa Kỳ, gây dư thừa và thiệt hại lớn về kinh tế.

Thực tế đang có tình trạng tồn đọng khẩu trang vải và khẩu trang y tế trong các xưởng may gia công, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tình hình dịch bệnh trong nước đã được đưa vào tầm kiểm soát, lượng cung vì thế vượt quá cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp loay hoay không biết tìm hướng tiêu thụ và xuất khẩu sang các nước khác. Có doanh nghiệp đang dư thừa 3 - 5 triệu chiếc khẩu trang vải, tương đương hàng tỷ đồng bị “chôn vùi” trong kho.

Không ít doanh nghiệp “lỡ” đầu tư vào dây chuyền sản xuất khẩu trang, giờ không biết hoàn thiện thủ tục như thế nào, đành phải làm gia công cho những doanh nghiệp lớn.

“Bẫy” chứng nhận giả 

Hiện nay, trên thế giới chỉ có một vài cơ quan, tổ chức cấp các chứng nhận nói trên. Những sản phẩm cần phải kiểm tra theo tiêu chuẩn EN 149 sẽ được gửi tới các phòng thử nghiệm trên thế giới. Đến nay, Việt Nam chưa có phòng LAB nào thử nghiệm được tiêu chuẩn trên.

Sau khi có kết quả thử nghiệm sản phẩm, nhà sản xuất sẽ chuẩn bị tài liệu kỹ thuật và Hồ sơ phê duyệt để được đối tác phê duyệt. Nếu đối tác nhập khẩu chấp nhận hồ sơ, sản phẩm mới được dán nhãn CE. Thời gian để hoàn thiện các thủ tục thì có thể mất 60 - 90 ngày.

Tuy nhiên, chỉ cần dùng công cụ tìm kiếm trên mạng internet, mọi người có thể tìm kiếm được rất nhiều trang tin quảng cáo dịch vụ trong nước nhận làm các chứng nhận ISO, CE chỉ với 3 - 15 ngày.

Giá cả chào mời của các dịch vụ “cò” CE và ISO cũng rất cạnh tranh từ vài chục triệu đến vài trăm triệu với từng loại chứng nhận.

Trong vai người tìm mua các chứng nhận để xuất khẩu khẩu trang y tế sang thị trường EU và Hoa Kỳ, phóng viên KH&ĐS đã tìm hiểu được mức giá đối với từng loại chứng nhận cụ thể.

Chứng nhận ISO 13485:2016 (tiêu chuẩn quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng áp dụng tại các cơ sử sản xuất dụng cụ y tế)  được “chào mời” với giá chỉ từ 30 - 35 triệu đồng. Nếu người mua có nhu cầu lấy chứng nhận ISO 13485:2016 của Việt Nam sau 3 - 5 ngày là có. Chứng nhận từ Úc phải đợi ít nhất sau 2 tuần.

Một chứng nhận CE về khẩu trang y tế đã được mua-bán ở Việt Nam.

Một chứng nhận CE về khẩu trang y tế đã được mua-bán ở Việt Nam.

Chứng nhận CE Marketing được quảng cáo là “giấy thông hành” giúp sản phẩm được dễ dàng tiếp cận toàn bộ thị trường EU và thị trường EFTA (European Free Trade Association). CE Marketing cho khẩu trang y tế phân loại 1 (Medical mask – class 1) có giá thấp nhất là 70 triệu đồng. Sau 3 - 5 ngày là có thể giao “khách hàng”. Tuy nhiên, loại chứng nhận CE này không có hồ sơ phê duyệt, công nhận của nước nhập khẩu, chỉ có chứng nhận đã xem xét tài liệu kỹ thuật (review technical file). Tất nhiên, phía người môi giới nhận làm hồ sơ kỹ thuật cho “khách hàng”.

Với chứng nhận FDA (chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) sẽ có giá cao hơn, khoảng 8.000USD, đã bao gồm đăng ký 3 code sản phẩm. Từ code thứ 4, bên dịch vụ sẽ thu thêm 500 - 600USD/code. Sau 3 ngày, người mua được nhận số đăng ký FDA, sau 1 tuần có thể kiểm tra số đăng ký trên trang web của tổ chức.

Nhiều doanh nghiệp thậm chí vừa nhận giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tuần trước, tuần sau đã có đầy đủ các chứng nhận CE, ISO trên.

Theo lời một cán bộ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, vấn đề xin chứng chỉ chất lượng vào thị trường EU, Hoa Kỳ luôn là trở ngại lớn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền mua các chứng nhận thông qua “cò” với mục đích tiết kiệm thời gian và công sức mà không hề biết đó là cái bẫy. Trong thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị trả lại lô hàng khẩu trang y tế xuất sang EU. Lý do, những lô hàng khẩu trang y tế xuất khẩu đó không có chứng chỉ chất lượng hợp lệ, đơn vị cấp chứng nhận không đủ thẩm quyền. Doanh nghiệp đó không những phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển mà còn mất toàn bộ số tiền mua chứng nhận giả.

Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt hàng muốn xuất khẩu để tránh tình trạng bị trả lại, dư thừa gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định, luật pháp để tránh rơi vào “bẫy” chứng chỉ giấy tờ giả, để rồi “tiền mất, tật mang”, tiếp tay cho những kẻ vi phạm lộng hành.

Tuấn Thủy

BẢN DESKTOP