Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đã có “bảo bối”... tự cứu mình?

  • Tác giả : Viết Dũng
“Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ khẩn trương xem xét, sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Khó khăn đang bủa vây thị trường bất động sản.

Khó khăn đang bủa vây thị trường bất động sản.

Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về gỡ khó cho bất động sản được chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận là biện pháp nhanh chóng, quyết liệt và kịp thời; tiếp động lực cho doanh nghiệp tự cứu mình, giữ chữ tín với khách hàng, đối tác…

Tin vào triển vọng tốt của thị trường

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết: Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phần nào lấy lại niềm tin và ổn định một bước tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư.

“Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ khẩn trương xem xét, sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội”, ông Châu nói.

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất, Tổ công tác khẩn trương làm việc với UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM và một số tỉnh thành trọng điểm. Bên cạnh đó, việc xếp gặp trực tiếp, nghe doanh nghiệp trình bày cũng góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhanh hơn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA).

“Sự quan tâm của Chính phủ tiếp động lực cho doanh nghiệp tự cứu mình, giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực. Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng các vướng mắc liên quan đến pháp luật sẽ được điều chỉnh”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam, việc thành lập Tổ công tác là biện pháp quyết liệt và kịp thời; sẽ đẩy nhanh quá trình tháo gỡ vướng mắc, quy trình cho các dự án mới nhằm giải tỏa việc khan hiếm nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đầy đủ thủ tục pháp lý.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, việc thành lập tổ công tác giống như một nguồn năng lượng mới, giải tỏa phần nào lo lắng của các bên tham gia thị trường.

“Bản thân tôi kỳ vọng Tổ công tác sẽ lắng nghe các doanh nghiệp trình bày những khó khăn, vướng mắc, để giải quyết được ngay, chứ không lòng vòng như hiện nay. Tôi kiến nghị mỗi một tỉnh, thành phố, Tổ công tác sẽ chọn giải quyết một vài dự án điểm. Theo đó, các dự án khác có vướng mắc tương tự cũng sẽ được địa phương giải quyết ngay, mà không cần đi hỏi, xin ý kiến khắp nơi, chờ đợi như hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Doanh nghiệp bất động sản tồn tại trong “đau đớn”

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO) và điều này tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành

Doanh nghiệp bất động sản cũng phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

“Vướng mắc pháp lý là nút thắt lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đối với dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm)”, ông Châu nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) cho rằng, hiện nay khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu do vướng thủ tục pháp lý. Trong đó, phải kể đến việc phê duyệt giá đất, nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đang gặp rất nhiều khó khăn do chính sách. Điều này bộc lộ dấu hiệu của sự chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệch pha rất lớn, cung không phù hợp với cầu. Bất động sản bán trên thị trường hầu hết là sản phẩm cao cấp, rất ít loại phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân.

Ngoài ra, thị trường bất động sản còn đang gặp khó khăn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu.

Ngày 17/11, Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành.

Tổ công tác do Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm tổ phó và các thứ trưởng bộ ngành khác làm thành viên.

Viết Dũng

BẢN DESKTOP